Đường thi

dvhieu

Member
Ở topic này, tôi xin giới thiệu với các bạn VBC một số tác giả và tác phẩm thơ Đường. Dự kiến sẽ bao gồm một chút giới thiệu tác giả, tác phẩm, và một số dẫn giải. Đường thi rất đồ sộ, không thể bàn hết nhất là với kiến thức còn hẹp hòi của mình, Hi vọng có thêm nhiều bạn yêu thích, bổ sung và phát triển thêm topic này.
Nói đến văn hóa Trung Quốc, không thể bỏ qua 2 thời kỳ nổi tiếng của văn học là: Kiến An và Thịnh Đường. Thịnh Đường nằm trong giai đoạn thời nhà Đường (bao gồm Sơ Đường, Thịnh Đường và Vãn Đường), trong đó thời Thịnh Đường phát triển mạnh mẽ và sôi nổi nhất với các tác giả rất nổi tiếng không chỉ trong phạm vi Trung Quốc: Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu, Mạnh Hạo Nhiên, Tô Đông Pha ....
Những bài dưới đây tớ xin giới thiệu một số tác giả và tác phẩm thơ Đường trong cả 3 thời kỳ. Những tác giả, tác phẩm có thể chưa thật nhiều, và tiêu biểu, các bạn nào yêu thích và có kiến thức rộng hơn xin cùng chung sức. Các tác phẩm được lựa chọn một cách tự nhiên(theo cá nhân) nên không được sắp xếp theo thời gian hay vần chu đáo, mong các bạn không khắt khe chuyện này....
 

dvhieu

Member
Vương Bột
Vương Bột tự Tử An, người đất Long Môn. Sáu tuổi đã biết làm văn. Mười sáu, mười bảy tuổi nổi danh hạ bút nên vần.
Vương có thói quen, mỗi khi làm văn, mài mực sửa soạn nghiên bút rồi nằm đắp chăn ngủ. Khi tỉnh dậy, cầm ngay bút viết. Vương nổi tiếng là một thi sĩ cao danh thời Sơ Đường (618-713).
Được mệnh danh là một trong "Sơ Đường tứ kiệt" (bao gồm: Vương Bột, Dương Quýnh, Lư Chiếu Lân, Lạc Tân Vương), Vương Bột nổi danh với nhiều bài thơ đặc sắc, đặc biệt là "Đằng Vương các tự" tác phẩm làm nên tên tuổi của nhà thơ này.

Các tác phẩm chính: Đằng Vương các tự, Đồng Tước kỹ(2 bài), Giang Nam lộng, Lạc hoa lạc, Thục Trung cửu nhật, Tống Đỗ thiếu phủ chi nhậm Thục Xuyên, Phổ An Kiếm Âm đề bích .... Đằng Vương các được trích từ tám câu cuối trong "Đằng Vương các tự"

Đằng Vương các
Giới thiệu tác phẩm:
Đằng Vương các, Hoàng Hạc lâu, Nhạc Dương lâu được coi là "Giang Nam tam đại danh lâu" - Ba lầu nổi tiếng nhất Giang Nam. Có lẽ mọi người biết đến "Hoàng Hạc lâu" của Thôi Hiệu - Có trích dẫn trong chương trinh phổ thông. Về Nhạc Dương lâu, Đỗ Phủ có bài "Đăng Nhạc Dương lâu", đặc biệt là Phạm Trọn Yêm đời Tống có bài "Nhạc Dương lâu ký". Còn Đằng Vương các đã nổi tiếng từ thời Sơ Đường qua bài phú của Vương Bột. Bài phú này kết thúc bằng bài thơ thất ngôn trên.
Nội dung:

Đằng Vương cao các lâm giang chử,
Bội ngọc minh loan bãi ca vũ.
Hoạ đống triêu phi Nam phố vân,
Châu liêm mộ quyển Tây Sơn vũ.
Nhàn vân đàm ảnh nhật du du,
Vật hoán tinh di kỷ độ thu.
Các trung đế tử kim hà tại,
Hạm ngoại Trường Giang không tự lưu.​
Tạm dịch nghĩa:
Các Đằng Vương nằm sừng sững bên sông,
Không còn thấy tiếng ngọc chuông reo cũng như múa hát.
Sáng sớm thấy mây lờ lững bay phía Nam phố,
Mỗi chiều khi cuốn rèm châu thì thấy mưa ở Tây Sơn.
Ngày ngày mây in bóng xuống đầm trôi vẩn vờ,
Vật đồi sao rời cách đó đã mấy thu qua.
Các con của vua chúa trong lầu giờ đã về đâu?
Ngoài cửa lầu, dải Trường Giang vẫn vô tình trôi thâu.​
Dịch thơ:
Gác Đằng cao ngất bãi sông thu
Ngọc muá vàng reo nay thấy đâu ?
Nam phố mây mai quanh nóc vẽ
Tây sơn mưa tối, cuốn rèm châu
Đầm nước mây vờn ngày tháng trôi
Mấy phen vật đổi với sao dời
Đằng vương thuở trước giờ đâu tá ?
Sông lớn ngoài hiên luống chảy hoài.​
(Bản dịch của Tương Như)
Bên sông đây gác Đằng Vương
Múa ca đã hết, ngọc vàng nào ai ?
Cột rồng Nam phố mây bay
Rèm châu mưa cuốn ngàn Tây sớm chiều.
In đầm, mây vẩn vơ trôi
Tang thương vật đổi, sao dời mấy thâu
Đằng vương trong gác giờ đâu ?
Trường Giang nước vẫn chảy mau mé ngoài.​
(Bản dịch của Tản Đà)
Con vua Đường Cao Tổ là Nguyên Anh được phong là Đằng vương, xây cất gác này khi nhận chức thứ sử tại Hồng Châu. Năm Hàm Thuận thứ hai, thứ sử Hồng Châu là Diêm Bá Tự mở đại yến ở đây, sai con rể là Ngô Tử Chương chuẩn bị trước một bài tự để mang ra khoe với tân khách. Trong bữa tiệc, họ Diêm sai đem giấy bút ra mời khách làm văn, nhưng không ai dám nhận. Duy có Vương Bột không từ chối. Họ Diêm sai người ngó xem bài của Vương Bột. Khi được nghe đến câu: "Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc"("Ráng chiều với cò lẻ cùng bay, Nước thu với trời dài một sắc") thì thán phục, khen là thiên tài, bèn thỉnh cầu Vương Bột tiếp tục hoàn thành bài tự này. Vương Bột lúc đó mới 19 tuổi, nhờ ngọn gió thổi mạnh thuyền mới đến được Đằng Vương các đúng giờ. Nguyễn Du có dùng điển tích này trong câu Kiều:
"Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày"
 
Sửa lần cuối:

dvhieu

Member
Vương Bột - Một số bài thơ khác
Giang Nam lộng

Giang Nam lộng,
Vu Sơn liên Sở mộng,
Hành vũ hành vân kỷ tương tống.
Dao hiên kim ốc thượng xuân thì,
Ngọc đồng tiên nữ vô kiến kỳ.
Tử lộ hương yên diểu nan thác,
Thanh phong minh nguyệt dao tương tư.
Dao tương tư, thảo đồ lục,
Vi thính song phi phượng hoàng khúc.​
Dịch thơ:
Giang Nam đùa dở
Vu Sơn liền mộng Sở
Tiếp tiếp mây mưa chia mấy độ
Hiên ngọc nhà vàng xuân đến rộ
Tiên nữ ngọc đồng không hẹn ước
Sương thơm khói biếc khó mong
Gió trong trăng bạc động tương tư
Động tương tư, đường cỏ biếc
Thoảng nghe biệt khúc chia ly phượng hoàng.​

Ky Xuân
Khách tâm thiên lý quyện,
Xuân sự nhất triêu quy.
Hoàn thương bắc viên lý,
Trùng kiến lạc hoa phi.​

Dịch thơ
Níu xuân
Ngàn dặm lòng khách mỏi,
Một sớm ánh xuân về.
Gửi thương lại vườn bắc,
Lại thấy bóng hoa bay.​

Phổ An Kiếm Âm đề bích

Giang Hán thâm vô cực,
Lương Mân bất khả phan.
Sơn xuyên vân vụ lý,
Du tử kỷ thời hoàn?​

Dịch thơ:

Đề vách núi Kiếm Âm ở Phổ An

Giang Hán tin không đến
Lương Mân vào khó ghê
Mây mù sông núi hiểm
Du tử lúc nao về?
(Bản dịch của Nguyễn Hà​
)​
 

dvhieu

Member
Trần Tử Ngang
Tác giả: Trần Tử Ngang (661-702) tự là Bá Ngọc thời Sơ Đường, người đất Xạ Hồng, Tử Châu (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc). Lúc thiếu thời ông chỉ mải vui chơi săn bắn, đánh bạc. Đến 18 tuổi còn chưa biết đến sách. Sau đi học lại rất chịu khó và đậu tiến sĩ. Ra làm quan tới chức Hữu thập di rồi xin từ quan trở về quê. Ông bị chết trong tù năm 42 tuổi. Có để lại tập thơ nhan đề là "Trần Bá Ngọc tập".
Một số tác phẩm tiêu biểu: Cảm ngộ (gồm gần 40 bài), Bạch Đế thành hoài cổ, Xuân dạ biệt hữu nhân, Đăng U Châu đài ca, Xuân nhật đăng Kim Hoa quán ....
Đăng U Châu đài ca
Tiền bất kiến cổ nhân,
Hậu bất kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du,
Ðộc sảng nhiên nhi thế há.​

Dịch thơ:

Bài ca lên đài U Châu

Trước chẳng thấy một ai
Sau chưa một người tới
Ngẫm trời đất vô cùng
Riêng mình tuôn dòng lệ.​
 

dvhieu

Member
Trần Tử Ngang (tiếp theo)
Bạch Đế thành hoài cổ
Nhật lạc Thương giang vãn,
Đình kiêu vấn thổ phong.
Thành lâm Ba tử quốc,
Đài một Hán vương cung.
Hoang phục nhưng Chu điện,
Thâm sơn thượng Vũ công.
Nham huyền bích lưu thông.
Cổ mộc sinh vân tế,
Quy phàm xuất vụ trung.
Xuyên đồ khứ vô hạn,
Khách tứ toạ hà cùng.​
Dịch thơ
Ở thành Bạch Đế nhớ chuyện cũ
Sông Thương bóng ác tà
Phong thổ ghé thuyền qua
Đài khuất trong cung Hán
Thành xây cạnh nước Ba
Núi còn công Vũ tạc
Đâu cũng cõi Chu nhà
Vách thẳm sườn cao lở
Khe tuôn đất hiểm ra
Cây xưa trong khói phủ
Buồm lại giữa mù sa
Dằng dặc đường sông nước
Ngồi thuyền khách nghĩ xa
(Nguyễn Lưu dịch)​

Xuân dạ biệt hữu nhân
Ngân chúc thổ thanh yên
Kim tôn đối ỷ diên
Cao đường tư cầm sắt
Biệt lộ nhiễu sơn xuyên
Minh nguyệt ẩn cao thụ
Trường hà một hiểu thiên
Du du Lạc Dương đạo
Thử hội tại hà niên ?​
Dịch thơ:
Đêm xuân tiễn bạn​
Khói xanh vờn đuốc bạc
Tiệc ngon thơm rượu nồng
Tri ân tình cầm sắt
Đường đi ngăn núi sông
Khuất vòm cây trăng sáng
Sông Ngân tỏa ánh mờ
Lạc Dương chừ muôn dặm
Gặp nhau, biết bao giờ ?
(Bản dịch của Hải Đà)​
 
Sửa lần cuối:

dvhieu

Member
Thôi hộ - Đề đô thành nam trang​
Tác giả:
Thôi Hộ tự là Ân Công, người Bác Lăng đời Đường (nay là An Bình, Hà Bắc). Ông là một thi nhân đời Trung Đường, đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ 12 (796), làm quan đến Lĩnh Nam tiết độ sứ. Thơ ông "Toàn Đường thi" còn chép 6 bài, trong đó "Đề đô thành nam trang" được lưu truyền rộng rãi nhất.
Tác phẩm:
Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu xuân phong.​
Dịch thơ:
Năm trước ngày này giữ chốn đây
Người đẹp hoa đào ửng đỏ lây.
Người đẹp biết về đâu chẳng thấy
Chỉ thấy hoa kia ghẹo gió cười!​

Chú dẫn:
Theo "Tình sử" của Phùng Mộng Long, Thôi Hộ nhân tiết thanh minh một mình đi chơi về phía nam đô thành, thấy một ấp trại chung quanh đầy hoa đào. Thôi Hộ gõ cửa xin nước uống, một người con gái mở cổng, hỏi tên họ rồi bưng nước đến, người con gái sắc đẹp đậm đà, duyên dáng, tình ý, dịu dàng kín đáo. Năm sau, cũng vào tiết thanh minh, Thôi Hộ lại đến tìm người cũ thì cửa đóng then cài, nhân đó mới đề lên cánh cửa bên trái bài thơ này. Người con gái xem thơ, nhớ thương rồi ốm chết. Chợt thôi Hộ đến, nghe tiếng khóc bèn chạy vào ôm thây mà khóc. Người con gái bỗng hồi tỉnh rồi sống lại. Ông bố bèn đem cô gái gả cho Thôi Hộ. Cũng từ điển này, người ta thường ví mặt người con gái đẹp với hoa đào.
 

NiceDream

Active member
Thơ Đường, đúng là vừa hay vừa khó! ^^ Niêm luật chặt chẽ, ý tứ sâu sa, thời nay khó mà có ai vượt được.
 

dvhieu

Member
Ai chứ chú Thắng cũng bảo a giỏi văn thì cũng lạ nhỉ. A chỉ thích thơ Đường vì nó hàm súc và câu từ chuẩn thôi. a ko giỏi làm văn, a là dân khối A mà...
 

dvhieu

Member
Mạnh Hạo Nhiên​
Mạnh Hạo Nhiên (689-740) - Thịnh Đường: người huyện Tương Dương tỉnh Hồ Bắc, cùng thời với Trần Tử Ngang, thuộc thế hệ đàn anh của Lí Bạch. Lí Bạch rất hâm mộ học vấn, tài năng và nhân cách của Mạnh Hạo Nhiên. Không thành công trong nghiệp quan trường, ông đã chú tâm làm thơ và viết văn về quê hương của mình. Hẳn các bạn còn nhớ bài "Hoàng Hạc lâu, tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng" trong chương trình văn học phổ thông, ngoài bài kể trên, Lý Bạch còn một số bài thơ ca ngợi con người và tìa năng của Mạnh tiên sinh, chẳng hạn bài "Tặng Mạnh Hạo Nhiên":
"Ta mến chàng họ Mạnh,
Phong lưu rậy tiếng đồn
Tuổi xanh khinh mũ miện
Đầu bạc ngủ mây cồn
Dưới trăng nghiêng ngửa chén
Bên hoa mê mẩn hồn
Hương bay thầm đón nhận
Không với tới đầu non"​

Sau một thời gian làm quan không được thỏa chí, ông lui về ở ẩn tại Long Môn quê nhà và trong cuộc du ngoạn ở những nơi xa, khắp vùng đất. Ông đi nhiều, thấy nhiều, mạnh thơ đầy ắp những khí chất hồn hậu của thiên nhiên núi sông diễm lệ, hợp với tâm hồn trong sáng của mình. Ông để lại hai trăm sáu mươi bài thơ, nổi tiếng nhất có bài "Lâm Động Đình" được nhiều người truyền tụng. Xin được trích dẫn dưới đây:

Bát nguyệt hồ thuỷ bình,
Hàm hư hỗ thái thanh.
Khí chưng Vân mộng trạch,
Ba hám Nhạc dương thành.
Dục tế vô chu tiếp,
Đoan cư sỉ thánh minh.
Tọa quan thuỳ điếu giả,
Đồ hữu tiễn ngư tình.

Dịch thơ:
Tháng tám hồ êm rồi,
Trong veo thấu nước trời.
Nhạc Dương lay động sóng,
Vân Mộng tỏa xông hơi.
Qua bến lơ chèo sõng,
Ở nhờ thẹn thịnh thời.
Ngồi xem ai thả cá,
Được mất hẳn yêu đời.​

Lưu biệt Vương Duy

Tịch tịch cánh hà đãi,
Triêu triêu không tự quy.
Dục tầm phương thảo khứ,
Tích dữ cố nhân vi.
Đương lộ thuỳ tương giả,
Tri âm thế sở hi.
Chỉ ứng thủ tịch mịch,
Hoàn yểm cố viên phi.
Dịch thơ:
Tối tối đợi chờ người
Sớm sớm không tự rời
Muốn tìm hương hoa cỏ
Trái ý bạn xưa thôi.
Trên đường ai giúp đở
Đời tri âm hiếm hoi.
Đành tháng ngày lặng lẻ
Về vườn cũ then cài.
Chú dấn: Vương Duy là một trong 3 nhà thơ nổi tiếng nhất thời thịnh Đường, sánh ngang với Lý, Đỗ, được suy tôn là Thi Phật (Lý Bạch = Thi Tiên, Đỗ Phủ = Thi Thánh).
 
Sửa lần cuối:

dvhieu

Member
Tuế Mộ Qui Nam Sơn

Bắc khuyết hưu thướng thư,
Nam sơn qui tệ lư.
Bất tài minh chủ khí,
Ða bệnh cố nhân sơ.
Bạch phát thôi niên lão,
Thanh dương bức tuế trừ.
Vĩnh hoài sầu bất mị,
Tùng nguyệt dạ song hư.
Dịch nghĩa:
Dâng thư lên Kinh thành làm gì nữa,
Hãy cứ lui về với quê nhà Nam sơn.
Ta bất tài, minh quân đã quên bỏ,
Ta lắm bệnh, các bạn cũ xa lánh .
Tóc bạc giục tuổi già đến mau.
Tiết xuân đưa năm cũ qua đi hết.
Trăn trở, không ngủ được.
Bên cửa sổ vắng, ánh trăng trải trên hàng thông.

Dịch Thơ:
Cuối năm, quay về Nam Sơn

Thôi chẳng dâng thư lên Bắc khuyết,
Quay về nhà nát núi Nam san.
Bởi ta bất tài, vua không dụng,
Bệnh tật liên miên, bạn lánh dần.
Tóc trắng giục mau già cái tuổi,
Tiết xuân làm dứt hết năm tàn .
Mãi hoài tưởng nghĩ, thành mất ngủ,
Song vắng, trăng vàng rũ hàng thông.
Quả thực tớ thấy chưa hài lòng với bản dịch lắm, bởi nó không trung thành với cấu trúc của nguyên tác "ngũ ngôn" dịch thành "thất ngôn". Nhưng nếu giữ lại lối thơ đó thì quả thật rất khó trải hết nghĩa, biết làm sao được, thơ Đường quá hàm súc!

(Mạnh Hạo Nhiên - Tiếp theo)
Dữ chư tử đăng Hiện Sơn
Nhân sự hữu đại tạ
Vãng lai thành cổ kim
Giang sơn lưu thắng tích
Ngã bối phục đăng lâm
Thủy lạc ngư lương thiển
Thiên hàn Mộng trạch thâm
Dương công bỉ thượng tại
Độc bãi lệ triêm khâm
Dịch:
Cùng nhóm người lên Hiện Sơn
Việc đời lắm đổi thay,
Tới lui thành kim cổ.
Núi sông lưu thắng cảnh,
Chúng ta được lên xem.
Nước rút, cá ngổn ngang,
Trời lạnh, đầm Mộng sâu.
Dương công bia nọ trước,
Đọc xong, lệ đẫm khăn.

Trừ dạ hữu hoài

Ngũ canh chung lậu dục tương thôi,
Tứ khí thôi thiên vãng phục hồi.
Trướng lý tàn đăng tài khứ diệm,
Lô trung hương khí tận thành hôi.
Tiệm khan xuân bức phù dung chẩm,
Đốn giác hàn tiêu trúc diệp bôi.
Thủ tuế gia gia ưng vi ngoạ,
Tương tư ná đắc mộng hồn lai
.
Dịch:
Nỗi nhớ đêm giao thừa

Canh năm giục giã tiếng chuông xa,
Bốn mùa liên tiếp gõ cửa nhà.
Bên trướng đèn tàn phai ngọn lửa,
Trong lò tro lạnh thoảng hương qua.
Gối sen xuân sắc hơi nồng thắm,
Chén trúc rượu trong khí lạnh nhoà.
Năm mới nhà nhà không ngủ được,
Nhớ nhau hồn bướm khó bên hoa
.
 
Sửa lần cuối:

dvhieu

Member
Trừ dạ hữu hoài (MHN-tiếp theo)
Ngũ canh chung lậu dục tương thôi
Tứ khí thôi thiên vãng phục hồi
Trướng lý tàn đăng tài khứ diệm
Lô trung hương khí tận thành hôi
Tiệm khan xuân bức phù dung chẩm
Đốn giác hàn tiêu trúc diệp bôi
Thủ tuế gia gia ưng vị ngọa
Tương tư ná đắc mộng hồn lai.
Dịch thơ:
Nỗi niềm đêm giao thừa​
Chuông điểm giờ năm giục giã nhau
Bốn mùa thay tiết quẩn quanh mau
Đèn mờ trướng phủ phai nhòa lửa
Hương nhạt than tàn hóa trấu nâu
Xuân đẫm gối sen nồng sắc thắm
Tình tan chén trúc lạnh đêm thâu
Nhà nhà thao thức cầm năm lại
Hồn mộng khó gần dẫu nhớ nhau.​

Túc Đồng Lư giang ký Quảng Lăng cựu du​

San minh văn viên sầu,
Thương giang cấp dạ lưu.
Phong minh lưỡng ngạn diệp,
Nguyệt chiếu nhất cô chu.
Kiến Đức phi ngô thổ,
Duy Dương ức cựu du.
Hoàn tương lưỡng hàng lệ,
Dao ký Hải Tây đầu
Dịch:
Ở Túc Đồng, sông Lư gửi bạn cũ ở Quảng Lăng​

Núi thẳm vượn kêu sầu
Sông đêm lạnh chảy mau
Cây bờ làn gió động
Thuyền chiếc bóng trăng thâu
Kiến Đức ngoài quê quán
Duy Dương nhớ bạn bầu
Xin đem đôi ngấn lệ
Xa gửi Hải Tây Đầu.​
 

dvhieu

Member
Âu Dương Tu​
Tác giả:
Âu Dương Tu tự là Vĩnh Phú (1007-1072) (Bắc Tống) quê huyện Lư Lăng - Giang Tây, ông là một nhà cổ văn kiêm lịch sử học kiêm một thi nhân tiếng tăm, tài tình, phong phú. Đưa tác giả Âu Dương Tu thời bắc Tống vào topic này vì ông có một khả năng cổ văn phong phú, lại có những bài thơ Đường xuất sắc, rất đáng đọc. Nỗi bật trong thơ Vĩnh Phú là chuỗi bài thơ "Điệp luyến hoa" (6 bài). Tên bài thơ này khá phổ biến trong thơ Đường, thấm chí Mao Trạch Đông cũng có 1 bài "Điệp luyến hoa"!
Tác phẩm:
Âu Dương Tu để lại còn 3 quyển "Lục thất từ". Dưới đây xin trích dẫn một số tác phẩm tiêu biểu

Trường tương tư​
Tần mãn khê,
Liễu nhiễu đê,
Tương tống hành nhân khê thuỷ tê (tây),
Hồi thời lũng nguyệt đê.
Yên phi phi,
Phong thê thê,
Trùng ỷ châu môn thính mã tê,
Hàn âu tương đối phi.​
Dịch:
Cỏ ngập khe,
Liễu khắp đê,
Đưa tiễn người đi suối não nề,
Trăng lơ lửng lối về.
Khói mờ mờ,
Gió lê thê.
Ngựa hí, ngồi lâu tựa cửa nghe,
Hải âu từng cặp đi.​


Đạp sa hành​
Hậu quán mai tàn,
Khê kiều liễu tế,
Thảo huân phong noãn dao chinh bí.
Ly sầu tiệm viễn tiệm vô cùng,
Điều điều bất đoạn như xuân thuỷ.

Thốn thốn nhu trường,
Doanh doanh phấn lệ,
Lâu cao mạc cận nguy lan ỷ.
Bình vu tận xứ thị xuân san,
Hành nhân cánh tại xuân san ngoại.​

Dịch:
Sau quán mai tàn
Cầu khe liễu rủ
Cỏ thơm, gió thoảng, dây cương thả
Chia ly mỗi bước mỗi sầu vương
Cuồn cuộn dòng xuân tràn khắp ngả

Đòi đoạn lòng tơ
Ròng ròng lệ nhỏ
Lầu cao chớ ra hiên đứng tựa
Núi xuân xa tít mãi chân trời
Người đi lại bên ngoài núi đó​
 

dvhieu

Member
Điệp luyến hoa I
Đình viện thâm thâm thâm kỷ hử ?
Dương liễu đồi yên,
Liêm mạc vô trùng số,
Ngọc lặc điêu an du trị xứ,
Lâu cao bất kiến Chương Đài lộ.

Vũ hoành phong cuồng tam nguyệt mộ,
Môn yểm hoàng hôn,
Vô kế lưu xuân trú.
Lệ nhãn vấn hoa, hoa bất ngữ,
Loạn hồng phi quá thu thiên khứ.
Dịch nghĩa:
Đình viện sâu sâu sâu biết mấy?
Dương liễu mông lung như khói
Trướng rèm lớp lớp không đếm nổi.
Hàm ngọc, yên chạm chốn chơi bời,
Lầu cao không thấy lối Chương Đài.

Cuối tháng ba mưa dữ, gió mạnh
Cửa che kín hoàng hôn,
Không có cách gì giữ nổi mùa xuân.
Mắt lệ hơi hoa, hoa không nói,
Màu hồng rụng tơi bời hơn cả mùa thu.​
Dịch thơ:
Đình viện sâu sâu sâu biết mấy,
Liễu hồng áng khói,
Trướng rèm không đếm nổi.
Hàm ngọc yên vàng như trẩy hội,
Lầu cao khiến Chương Đài khuất lối.

Tháng cuối xuân rồi mưa gió gội.
Cửa khép hoàng hôn,
Cách chi lưu xuân nổi.
Mắt ướt hỏi hoa hoa chẳng nói
Tơi bời hoa rụng hơn thu tới.​

Điệp luyến hoa II​
Thuỳ đạo nhàn tình phao khí cửu ?
Mỗi đáo xuân lai,
Trù trướng hoàn y cựu.
Nhật nhật hoa tiền thường bệnh tửu,
Bất từ cảnh lý chu nhan sấu.

Hà bạn thanh vu đê thượng liễu,
Vị vấn tân sầu,
Hà sự niên niên hữu ?
Độc lập tiểu kiều phong mãn tụ,
Bình lâm tân nguyệt nhân quy hậu.​
Dịch thơ:
Ai bảo nhàn tình lâu dẫy bỏ ?
Mỗi lúc xuân về,
Trù trướng nguyên như cũ.
Buổi tối trước hoa thường bệnh rượu,
Soi gương chẳng chối dung nhan võ.

Xanh mịt bờ sông tơ liễu rủ,
Vì hỏi tân sầu,
Hà cớ năm năm có ?
Một đứng cầu con trơ trước gió,
Trăng treo rừng thẳm người đâu hở.​

Điệp luyến hoa III​
Diện toàn lạc hoa phong đãng dạng,
Liễu trùng yên thâm,
Tuyết nhứ phi lai vãng.
Vũ hậu khinh hàn do vị phóng,
Xuân sầu tửu bệnh thành trù trướng.

Chẩm bạn bình sơn vi bích lãng,
Thuý bị hoa đăng,
Dạ dạ không tương hướng.
Tịch mịch khởi lai khiên tú hoảng,
Nguyệt minh chính tại lê hoa thượng.​
Dịch thơ:
Xao xác gió đưa hoa phất mặt,
Khói dày liễu xanh,
Tuyết nhẹ bay lai vãng.
Mưa ngớt hơi sương chưa thấm lạnh,
Sầu xuân bệnh rượu cơn buồn bực.

Bên gối núi tranh che sóng biếc,
Áo thắm đèn hoa,
Đêm đêm dài trông ngóng.
Lặng lẽ ngồi lên vén màn gấm,
Đầu ngọn hoa lê vầng trăng sáng.​

p/s: Dẫu xuân đã hết, đọc xong mà thèm rượu..........
 
Sửa lần cuối:

dvhieu

Member
Cô nhạn​

Cô nhạn bất ẩm trác,
Phi minh thanh niệm quần.
Thuỳ liên nhất phiến ảnh,
Tương thất vạn trùng vân.
Vọng tận tự do hiện,
Ai đa như cánh văn.
Dã nha vô ý tự,
Minh táo tự phân phân.

Bản dịch:

Nhạn lẻ không ăn uống,
Bay mãi kêu nhớ bầy.
Ai thương một chiếc bóng,
Mất hút theo ngàn mây.
Trông mãi như in dấu,
Tưởng còn vọng, thảm thay.
Qụa đồng đâu thấu nỗi,
Quác quác cũng kêu rầy.​
 

dvhieu

Member
Khả tích​

Hoa phi hữu để cấp,
Lão khứ nguyện xuân trì.
Khả tích hoan ngu địa,
Đô phi thiếu tráng thì.
Khoan tâm ưng thị tửu,
Khiển hứng mạc quá thi.
Thử ý Đào Tiềm giải,
Ngô sinh hậu nhữ kỳ.​

------------------------------------------------------------

Tiếc thay​

Bay chi vội hoa ơi,
Xin hãy chầm chậm thôi.
Nào những nơi vui thú,
Chẳng gặp thuở thiếu thời.
Vần thơ khơi hứng thú,
Chén rượu trút sầu vơi.
Ý nầy Đào quân hiểu,
Ta sinh chậm mất rồi.​
 

hanhthu_hphn89

New member
Khả tích​

Hoa phi hữu để cấp,
Lão khứ nguyện xuân trì.
Khả tích hoan ngu địa,
Đô phi thiếu tráng thì.
Khoan tâm ưng thị tửu,
Khiển hứng mạc quá thi.
Thử ý Đào Tiềm giải,
Ngô sinh hậu nhữ kỳ.​

------------------------------------------------------------

Tiếc thay​

Bay chi vội hoa ơi,
Xin hãy chầm chậm thôi.
Nào những nơi vui thú,
Chẳng gặp thuở thiếu thời.
Vần thơ khơi hứng thú,
Chén rượu trút sầu vơi.
Ý nầy Đào quân hiểu,
Ta sinh chậm mất rồi.​
khiếp ông anh nhà tui suốt ngày thơ với chẳng thẩn
thề nào không cao dược nên
 
Top