Đấu súng giành gái và những cái chết

tuanhungvr

VIET NAM REGISTER
Có những cuộc đấu súng đẫm máu của những băng nhóm giang hồ, gây hoang mang dư luận một thời.

1303446577_dau-sung.jpg


Giang hồ Sài Gòn biết bao chuyện thêu dệt. Những cuộc thanh trừng trong thế giới ngầm thường diễn ra rất thầm lặng và nhiều khi không để lại dấu vết. Nhưng cũng có những cuộc đấu súng đẫm máu của những băng nhóm giang hồ, gây hoang mang dư luận một thời.

Tư Mắt và Paul Ngọ…

Nổi danh chỉ sau Phan Phát Sanh vì việc cướp Khám Lớn gây bất an cho giới cai trị thuộc địa Nam Kỳ, có lẽ phải kể tới Tư Mắt. Tên thật là Nguyễn Văn Trước, Tư Mắt sinh ra và lớn lên tại Gia Định thành vào thời Tây thắng thế tại Nam Kỳ. Không đủ can đảm để thành một nghĩa sĩ Cần Vương hoặc anh hùng kháng Pháp, Tư Mắt bắt đầu gây dựng sự nghiệp giang hồ của mình từ khu Gò Vấp. Thoạt đầu chỉ là những vụ đánh nhau nho nhỏ giữa xóm này với xóm khác, Tư Mắt nổi danh nhờ gan dạ, võ nghệ khá, lại xử sự quân tử rộng lượng. Khi vươn bàn tay ra đến khu chợ Cũ, Tư Mắt đụng độ với các băng nhóm có từ thời nảo thời nào đang tiếp tục hùng cứ ở đây. Liệu không chống nổi với các băng khác do nhân sự còn quá ít ỏi, Tư Mắt chuyển qua địa bàn Sánh – Cái – Sị (Tân Nhai Thị) tức chợ Bến Thành mới được xây dựng từ việc lấp ao vũ Borres xong. Mọi mua bán chuyển dần từ chợ Cũ qua chợ mới Bến Thành, Tư Mắt theo đó cũng rủng rỉnh đồng ra đồng vào. Tiền có thì tha hồ quảng đại giao du, nhân lực băng Tư Mắt tăng lên nhanh chóng. Tư Mắt quyết định lần vào cả 3 vùng béo bở: Chợ Cũ, Đất Hộ (ĐaKao) và Tân Định. Trùng hợp xảy ra vụ Phan Xích Long (Phan Phát Sanh) cướp ngục, thực dân Pháp ra sức khủng bố. Giang hồ hảo hán các nơi đa số có tham gia vụ này, đang bị bóp nghẹt không thương tiếc, cộng thêm việc xua quân lấn chiếm lãnh địa của Tư Mắt nên tất cả nhanh chóng thúc thủ. Tư Mắt nghiễm nhiên trở thành vua Sài Gòn. Vài năm sau, tên tuổi của Tư Mắt không giới hạn ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn nữa mà lan tỏa khắp Lục Tỉnh Nam Kỳ. Thói quen đi ngao du khắp cõi của ông trùm Tư Mắt cộng thêm tật thích gây hấn đã khiến tên tuổi Tư Mắt trở thành “ông ngáo ộp” dọa bọn lưu manh khắp miền Nam. Thậm chí có những kẻ chưa gặp Tư Mắt bao giờ cũng một điều anh Tư, hai điều chú Tư… để dựa hơi như người thân thích. Mỗi khi đến địa phương nào, Tư Mắt đều vung tiền ra kết giao, thu phục. Có một lần xuống Bạc Liêu, đàn em Tư Mắt va chạm với hảo hán địa phương và bị nện cho “ôm đầu máu” về cáo cấp với chủ. Tư Mắt xuống đến nơi gọi thủ lĩnh địa phương ra nói chuyện. Khi nghe một lời xin lỗi, Tư Mắt lập tức móc hầu bao ra một bó giấy bộ lư (5 đồng) ban thưởng và chiêu đãi toàn bộ giang hồ Bạc Liêu một bữa ăn nhậu hoành tráng. Tiền ở đâu ra? Xin thưa, Tư Mắt chỉ ho một tiếng thì ông hội đồng Trạch phải nôn ra ngay, hầu khỏi bị phá khuấy trong chuyện làm ăn. Mà ông hội đồng Trạch tức Trần Trinh Trạch là cha của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (Cậu Ba Quy). Lấy mỡ nó rán nó, chính là cách chơi của Tư Mắt.

Khi đã trở thành nhân vật “huyền thoại” của giang hồ toàn cõi, Tư Mắt sinh ra chủ quan. Những đàn em đến quy thuận càng lúc càng đông mà một người ít học như Tư Mắt không tài nào quản lý nổi. Xảy ra hàng loạt vụ ức hiếp và chà đạp danh dự của những người khác do bọn đàn em cấp thấp tiến hành khiến danh dự và hào quang của một Tư Mắt trượng nghĩa giang hồ có phần nào bị thương tổn. Một mối ân oán quái quỷ nào đó mà Tư Mắt không bao giờ biết đã xảy ra ngoài tầm kiểm soát của ông trùm. Thế là cuộc trả thù được tiến hành mà mục tiêu là vợ con của Tư Mắt, dĩ nhiên vì bản thân Tư Mắt là bất khả xâm phạm. Vợ con thảm tử, Tư Mắt không thể tìm ra ai là thủ phạm trong mớ bòng bong quan hệ ân oán không dứt của mình. Buồn tình, đau khổ vì cô độc cuối đời, Tư Mắt tìm đến chùa Phụng Sơn (Chùa Cây Mai) để tu hành sám hối. Nghiệp chưa dứt, nhân quả báo ứng ra sao không rõ, Tư Mắt sửa đèn măng xông cho nhà chùa, đột nhiên phực cháy. Huyền thoại Tư Mắt chấm dứt vì một giây bất cẩn!

Paul Ngọ, tức Sáu Ngọ là một tay tổ cờ bạc khác sinh cùng thời kém tuổi Tư Mắt không nhiều nhưng thủ đoạn thì Tư Mắt phải gọi là…cụ!

Thoạt đầu khởi nghiệp chỉ là một gã phát hỏ cho các trùm cờ bạc của người Hoa. Lúc đó tại vùng đất thuộc địa Nam Kỳ, sau loạn quyền phải tại Trung Quốc gây nên cuộc chiến bát-quốc-liên-quân tấn công Bắc Kinh, những thủ lĩnh xiêu tán khắp nơi mà gần nhất là Việt Nam. Có 2 thế lực tranh chấp nhau, một là Nghĩa Hưng tức Kèo Xanh của người Phước Kiến và Kèo Vàng của người Triều Châu. Hai bên tranh chấp địa bàn hoạt động hội kín và xảy ra vụ biến động ở Sóc Trăng năm 1882. Thực dân Pháp bắt đầu lưu tâm và tìm cách triệt hạ. Paul Ngọ lập tức rời bỏ chủ cũ đã không còn an toàn và nhờ người giới thiệu để nhập quốc tịch Pháp, ngày xưa gọi là vào dân Tây. Khi đã được gọi là dân Tây, Paul Ngọ bắt đầu với những sòng bạc nho nhỏ gọi là “giải trí gia đình khi giỗ chạp”. Tất nhiên tiền lót đường khiến các sòng bạc của Sáu Ngọ hoạt động vô tư trước mũi chính quyền thuộc địa. Lấn thêm một bước, Sáu Ngọ thâu tóm các sòng me, tài xỉu và thuận gió lập nên hàng loạt sòng roulette theo phong cách Âu châu dành cho giới quý tộc, trưởng giả của Nam Kỳ. Toàn cõi Nam Kỳ có 6 chiếc xe hơi, sau tăng lên gần 40 chiếc thì xe Paul Ngọ sử dụng chỉ thua đúng mỗi Thống đốc Nam Kỳ lúc bấy giờ.

Việc tấn công mạnh mẽ vào tổ chức hội kín Kèo Xanh-Kèo Vàng đã tạo thành cơ hội ngàn năm có một cho Paul Ngọ trở thành ông trùm cờ bạc. Sau khi phong trào hội kín bị đập tắt bằng cuộc đàn áp đẫm máu, nhất là vụ Phan Xích Long cướp ngục không thành… nhà cầm quyền thay đổi hàng loạt các viên chức mẫn cán và sạch sẽ hơn. Viên chánh thanh tra Sài Gòn vừa được đổi về đã lập tức quan tâm đến hiện trạng cờ bạc lan tràn khắp cõi. Các tay lính kín mã tà vốn nhận bạc hằng tháng của Paul Ngọ lập tức cảnh báo và khuyến cáo Paul Ngọ đừng tiếp tục hoạt động. Không thể bó tay với cảnh ngồi không ngáp gió, Paul Ngọ bèn bóp trán suy nghĩ để đối phó với viên thanh tra khó nhai này. Một kế hoạch sau đó được tiến hành.

Một vị bang trưởng hội Hoa kiều được ấn vào tay một bó bạc Đông Dương, lập tức đến xin gặp vị chánh thanh tra. Vị bang trưởng xin phép vào ngày giỗ, mời viên chánh thanh tra đến nhà tham dự. Để hòa đồng tạo thuận lợi cho công việc, ngài bèn nhận lời. Đúng ngày giờ, ngài chánh thanh tra đến với vài đệ tử thân tín. Buổi tiệc diễn ra hoành tránh và hữu hảo. Cuối tiệc, nhân lúc ngài chánh thanh tra đang ngà ngà say, mặt hớn hở do “thâm nhập quần chúng” thành công, viên bang trưởng thỏ thẻ: “Theo phong tục Á Đông, sau tiệc chúng tôi muốn giải trí vài ván mạt chược nhè nhẹ ăn thua vài đồng cho có không khí, chẳng rõ ngài chánh thanh tra có thể… ?”. Dĩ nhiên đang vui, ngài gật đầu nhưng không quên ngầm quan sát. Cờ bạc chút đỉnh trong không khí êm ả, cũng không đến nỗi, ngài hài lòng ra về mà không nhận ra Paul Ngọ đang tới lui giữa các sới bạc hôm ấy như một con thoi.

Nửa tháng sau, ngài hết sức bực mình triệu tập thuộc cấp để hỏi xem vì sao không có một báo cáo gì về hoạt động cờ bạc của Paul Ngọ? Sau một lúc im lặng, một thuộc cấp dũng cảm trình bày: ngài cho phép rồi, hỏi gì nữa? Khi biết được mình đã rơi vào bẫy của Paul Ngọ, viên chánh thanh tra ngậm tăm để hằng tháng làm như vị tiền nhiệm nhận một mức “quà cáp” tương đương với cả chục mức lương do nhà nước đại Pháp cấp cho…

Paul Ngọ lợi hại là thế, nhưng kết cuộc cũng chẳng khác gì các bậc tiền bối “ngành” tổ chức cờ bạc. Cuối đời, Pau Ngọ sống nghèo khổ và hằng ngày dắt chó đi dạo trên đường trong bộ quần áo bạc màu, hệt một lão nông tri điền đến tuổi tri thiên mệnh…

Vụ đấu súng kiểu Việt Nam…

Giang hồ từ sau thời Bảy Viễn không còn đơn giản. Vì nhu cầu mở rộng chiến tranh, Mỹ tăng cường một phái bộ quân sự vài ngàn người đóng ở bến Bình Đông lên đến hàng chục nghìn rồi trực tiếp đổ quân theo Hiến chương Vũng Tàu thời Nguyễn Khánh, cả miền Nam hóa thành trại lính. Bảo An đoàn chưa tới 200.000 quân đã tăng lên già nửa triệu trong cái quân đội được đào tạo kiểu lai căng giữa Mỹ và Pháp. Các sĩ quan được đào tạo tại Pháp giờ đã là tướng tá quân đội Sài Gòn, chỉ huy kiểu Mỹ nên không khỏi có phần lệch pha. Những tên du đãng hoặc có máu du đãng cũng vào lính và hành xử hết sức côn đồ, tùy tiện. Nguyễn Viết Cần, lúc bấy giờ là một thiếu tá, nhưng cả miền Nam đều biết mặt biết tên và có phần kiêng dè. Đơn giản vì ngoài việc rất hung hăng, Cần lại là bào đệ của Nguyễn Viết Thanh – tướng tư lệnh vùng 4 chiến thuật kiêm tư lệnh quân đoàn 4, tức toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Như thường lệ, cả nhóm du đãng khoác áo lính, đúng hơn là sĩ quan, đi ăn chơi sau một chuyến hành quân nhọc mệt. Dẫn đầu là thiếu tá Nguyễn Viết Cần và cả chục chiến hữu lũ lượt kéo đến vũ trường Tour d’Ivoire (Tháp Ngà) ngay góc đường Trần Hưng Đạo – Bùi Viện (nay là khu quận 1, TPHCM). Trước đó đã có cả chục sĩ quan Bộ tư lệnh đồng minh, chủ yếu là sĩ quan Mỹ đang giành lấy một góc vũ trường. Chuyện không có gì đáng nói nếu như cô cave xinh đẹp nhất, mối ruột của Cần đang được một gã sĩ quan Mỹ dìu dặt theo tiếng nhạc trên sàn.

Nguyễn Viết Cần ngoắc quản lý lại và yêu cầu trả “đương sự về đơn vị cũ”… Tất nhiên bọn Mỹ không chấp nhận “chung sống hòa bình”. Lời qua tiếng lại biến cuộc thương lượng thành thách thức. Gã Mỹ đề nghị giải quyết theo kiểu phim cao bồi miền viễn Tây. Hai khẩu Colt 45 được mang ra trên một cái khay, nhưng súng mỗi khẩu chỉ có đúng một viên đạn. Cả hai được giải thích cặn kẽ về phương pháp đấu súng: Cả hai quay lưng vào nhau, đếm 10 bước quay lại và ai muốn bắn trước cứ bắn nếu đủ tự tin bắn trúng. Nếu bắn trượt, người còn lại có quyền đi lại gần để bắn cho chắc cú! Điều mà cả bọn sĩ quan ngụy không ngờ là gã sĩ quan Mỹ, đối thủ của Nguyễn Viết Cần không đơn giản: gã là vô địch bắn súng ngắn của Bộ tư lệnh quân đội Mỹ đóng ở Việt Nam. Tóm lại, Cần chết chắc nếu chơi đúng luật… Hiệu lệnh được phát ra, Cần bước đi được 3 bước bỗng quay phắt lại chĩa súng vào gáy gã Mỹ bóp cò!

Cuộc đấu súng kiểu Mỹ chấm hết bằng kiểu hết sức… giang hồ, với sự thắng lợi của phe Nguyễn Viết Cần, dù không mấy vẻ vang. Cả hai phe nhảy vào các chỗ khuất để biến cuộc đấu súng tay đôi thành cuộc chiến giành gái. Cho đến khi quân cảnh của cả Mỹ lẫn ngụy quyền đến nhặt toàn bộ về đồn, cuộc đấu súng mới chấm dứt với kết quả: gã sĩ quan Mỹ vô địch tác xạ chết toi! Do yếu tố chính trị và sợ tổn thương tình hữu nghị đồng minh, vụ án được xử lý êm bằng một sự vụ lệnh tống Nguyễn Viết Cần ra vùng 1, kèm theo một giấy báo tử do công vụ cho gã sĩ quan Mỹ.
 
Top