Chuyến tàu không số duy nhất chở Thủy Lôi

Nho_QueHuong

New member
luu_dinh_lung.jpgGần đến bến đỗ thì bị địch bao vây, tàu 42 chở 60 tấn vũ khí và 4 quả thủy lôi đã nhanh trí bật đèn giống tàu địch, hòa vào vòng vây, sau đó tăng tốc lao vào bãi đổ hàng.
>Những trận đấu anh hùng của thủy thủ tàu không số/ 'Đường Hồ Chí Minh trên biển, kỳ tích sáng tạo của VN'/ Những kỳ tích trên biển của bộ đội công binh
Ông Lưu Đình Lừng, cựu thủy thủ tàu không số năm xưa nay đã về hưu, an hưởng tuổi già tại phường Ngọc Hải, thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng. Khuôn mặt rám nắng, dáng người rắn rỏi, ông cho biết, từ khi bước chân xuống tàu năm 1964, ông đã có 10 chuyến ra Bắc vào Nam, lênh đênh trên biển để chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam.

Trong những lần ấy, ông cảm thấy tự hào và nhớ như in chuyến đi đầu tiên sau khi đường Hồ Chí Minh trên biển bị địch phát hiện. Đó là chuyến tàu chở 4 quả thủy lôi duy nhất trong hàng nghìn tấn vũ khí được vận chuyển vào Nam. Ông Lừng nhớ lại, để đưa thủy lôi xuống tàu, những người lính phải dùng băng xích để kéo xuống xuồng, sau đó lại vất vả đưa xuống hầm hàng của tàu.


Ông Lưu Đình Lừng nhớ nhất là chuyến vận chuyển vũ khí vào Cà Mau có 4 quả thủy lôi năm 1965. Ảnh: Hoàng Thùy.

Trước khi tàu rời bến, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã vác một hòm đạn AK xuống tàu, động viên các thuỷ thủ. Đêm hôm đó, tất cả mọi tư trang, giấy tờ tùy thân các ông đều gửi lại, cán bộ lãnh đạo thì ân cần bắt tay, dặn dò từng người.

"Nhiệm vụ của tàu 42 khi ấy là đưa vũ khí vào bến Vàm Lũng (Cà Mau) và nghiên cứu tuyến đường vận chuyển mới sau một thời gian tạm ngưng do địch phát hiện. Hành trình nếu suôn sẻ dự kiến mất khoảng nửa tháng với 7 ngày vào, 7 ngày ra và 1-2 ngày bốc hàng", ông Lừng nói.

Khẽ nhăn vầng trán, người cựu binh nhớ lại, đêm ngày 15/10/1965, tàu 42 được cải trang thành tàu đánh cá Philippines lặng lẽ rời bến K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng). 16 thủy thủ tham gia chuyến đi dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng và chính trị viên Trần Ngọc Ẩn.

Không giống như những chuyến hàng trước, lần này ngoài 60 tấn vũ khí, tàu 42 còn phải chở thêm 4 quả thủy lôi, mỗi quả nặng hơn một tấn. Đây là loại vũ khí đặc biệt dùng để phá hủy những chiến hạm lớn của địch nên có ý nghĩa vô cùng quan trọng với chiến trường miền Nam lúc bấy giờ.

Không thể đi dọc đường bờ biển bởi sau sự kiện Vũng Rô, con đường Hồ Chí Minh trên biển bị lộ, địch tăng cường tuần tiễu và thả bom mìn, thủy lôi phong tỏa. Tàu 42 với nhiệm vụ mở đường mới phải nhằm hướng hải phận quốc tế để đi. Sau khi rời bến K15, tàu vượt qua Long Châu, đảo Hải Nam, sau đó nhập vào dòng tàu buôn đi về phía quần đảo Trường Sa.

"Lênh đênh trên biển, ngoài việc quan sát kẻ địch chúng tôi còn phải đối phó với sóng, gió, bão. Chỉ sóng thôi cũng đã làm sơn ở ngoài tàu tróc hết, bào mòn mạn tàu, nấu cơm thì phải đứng giữ nồi ở yên vị trí, có khi đến 3 tiếng cơm mới chín. Và sau mỗi chuyến đi, một người sút khoảng 4 cân", ông Lừng kể và cho biết, khi tàu 42 của ông tới gần quần đảo Trường Sa thì bị máy bay Mỹ phát hiện.

Trước tình huống nguy cấp, thuyển trưởng đã hạ lệnh thay biển số của tàu phù hợp với hải phận đi qua, mang lưới ra gỡ để địch tin là dân đánh cá. Sau khi tiếp cận mà không phát hiện điều bất thường, máy bay địch bỏ đi, tàu 42 tiếp tục xuôi về phía đảo của Philippines và chuyển hướng vào Cà Mau.

"Khi gần bến đỗ, anh em trên tàu đang mừng thầm vì chuyến đi khá thuận lợi thì lại phát hiện những vệt sáng ở phía trước. Biết là có tàu địch, chúng tôi được lệnh vào vị trí sẵn sàng chiến đấu", ông Lừng kể.
tau.jpg

Tàu không số vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam. Ảnh do máy bay trinh sát Mỹ chụp,

Những vệt sáng cứ xuất hiện nhiều lên, cả phía trước, bên phải, bên trái và sau đó tạo thành một vòng tròn bao quanh thuyền 42. Biết đã bị bao vây, thuyền trưởng Cứng lập tức ra lệnh bật đèn giống địch và cho tàu chạy dần ra ngoài, nhập vào vòng tròn của nhóm tàu địch. Cứ như thế, tàu chạy vòng quanh một lúc, khi vào gần bờ, thuyền trưởng hạ lệnh tắt đèn, tăng tốc lao vào bến, nơi có đội ngũ tiếp ứng đang đợi sẵn.

"Có những lúc căng thẳng đến mức như sắp phải nhả súng chiến đấu với địch, nhưng với tài phán đoán và xử lý của thuyền trưởng Cứng, mọi vòng vây đều được phá, chúng tôi vào bến an toàn", ông Lừng kể lại.

Ông cho biết, đội tiếp nhận hàng ở bến đã phải rất vất vả mới di chuyển được bốn quả thủy lôi đến nơi an toàn. Họ phải chọn những chiếc thuyền to, chèo ra đến gần tàu hàng thì dìm xuống nước. Hàng chục người sau đó sẽ dùng đòn khênh thủy lôi lên và đẩy chiếc thuyền chìm lên, tát cạn nước. Thuyền dần dần nổi và bốn quả thủy lôi lần lượt được vận chuyển vào bờ.

Giọng hào hứng, ông Lừng chia sẻ, với 4 quả thủy lôi vận chuyển vào đã có tác dụng rất to lớn, trong đó có việc đánh chìm chiếm hạm "khủng long" Balon Ronge Victory có trọng tải 20.000 tấn của Mỹ do tổ đặc công Rừng Sác thực hiện. Chiến thắng này đã tạo nên cục diện mới ở chiến trường miền Nam, khiến quân địch phải lo sợ.

Sau chuyến đi khảo sát thành công ấy, tuyến đường vận tải trên biển đi qua hải phận quốc tế vào Nam được hình thành. Ban chỉ huy tàu cũng vinh dự được báo cáo kết quả với Quân ủy Trung ương và được nhận Huân chương Quân công hạng ba. Đặc biệt, cả đoàn còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng một cây thuốc lá có ghi dòng chữ “Bác Hồ tặng”.

"Trước khi đi tàu được găm hàng tấn thuốc nổ để nếu không chiến đấu nổi với địch sẽ phá hủy tàu. Cánh thủy thủ chúng tôi đều biết mỗi lần ra đi là một lần không hẹn ngày trở lại, thế nhưng với nhiệt tình cách mạng của lớp thanh niên lúc bấy giờ, chúng tôi không sợ chết, thậm chí không được đi đã khóc nức nở. Bây giờ nếu hải quân cần, chúng tôi vẫn sẵn sàng", ông Lừng nói.

Hoàng Thùy

Theo dòng sự kiện:
 

yooleegirl

Trưởng nhóm HĐH Sài Gòn
Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển và những con tàu không số sẽ mãi ghi vào sử sách là những trang sử hào hùng, huyền thoại của dân tộc =.=
 
Top