Nghĩ việc lớn, làm từ việc nhỏ

911

Super Moderator
Vì cộng đồng, nên bắt đầu từ việc rất nhỏ như tham gia dọn vệ sinh môi trường - Ảnh: Như Thảo

Nhiều bạn trẻ luôn trăn trở nên bắt đầu từ đâu, làm sao để góp sức mình vào sự phát triển của đất nước nhằm tạo nên những thay đổi mang tính tích cực. Việc đặt ra những mục tiêu lớn là cần thiết bởi đó là hoài bão, là khát vọng; song, cần thiết hơn sự tập trung vào từng bước nhỏ, những kế hoạch hành động ngắn hạn để đi đến mục tiêu.


Kể từ số báo này, Thanh Niên mở diễn đàn: “Nghĩ việc lớn, bắt đầu từ việc nhỏ” với mong muốn chia sẻ với các bạn trẻ ấp ủ việc thay đổi thế giới tương lai thì ngay bây giờ nên bắt đầu với hành động nhỏ thiết thực.

Người Việt trẻ chưa thích làm việc nhỏ?

Do vừa làm quản lý, vừa đi dạy và làm hướng dẫn viên nên tôi thường đi cùng nhiều thanh niên. Đây là dịp để tôi kiểm tra lần cuối những đánh giá của mình trước khi quyết định chọn người.

Hỏi về tương lai, nhiều em mơ ước làm lãnh đạo, chủ doanh nghiệp... Chỉ một vài em ước mơ “làm hướng dẫn viên giỏi”. Khi đến tham quan một resort vừa khai trương, các em góp ý nào là tổng quan chưa hài hòa, nào là kiến trúc đơn điệu, nào là thiết bị chưa đồng bộ... Chỉ có một em “đề nghị các bảng hướng dẫn phòng nên treo thay vì đóng vào thân cây vì sẽ làm đau cây!”.

Vào khu du lịch Madagui, thấy ai đó vứt rác không đúng chỗ, cả nhóm đang hào hứng bàn chuyện đại sự, chỉ có vài em lặng lẽ nhặt rác bỏ vào thùng. Khi gặp khách hỏi đường hoặc hỏi đường người khác, tôi thấy đa phần các em nói trống không, thiếu chủ ngữ. Chỉ vài em biết thưa gửi - cám ơn - xin lỗi. Và tôi quyết định mời các em hay làm những việc nhỏ đó về cộng tác lâu dài với mình. Tôi không tin những người không biết làm việc nhỏ lại có thể làm việc lớn?

Dường như một số bạn trẻ vẫn chưa thích làm việc nhỏ? Đi học là muốn đề thi dễ, vào cơ quan xí nghiệp là muốn làm việc nhẹ nhàng; thậm chí dùng cả thủ đoạn để đạt được mục đích làm lớn. Các Guinness Việt Nam cần ghi nhận thêm nhiều kỷ lục về việc nhỏ mà thiết thực nhất cho cuộc sống. Nghĩ về hậu quả của các tác động xấu đến môi trường và bắt đầu từ những việc làm cụ thể như: giữ gìn vệ sinh trường lớp, không viết vẽ bậy lên bàn, lên bảng. Hãy giữ vệ sinh ngay trong nhà mình, trong khu phố mình. Hãy giúp đỡ ngay người bên cạnh khi qua đường, trên xe bus, trong lớp học...

Thiên hạ không ai cười mình nghèo mà chỉ khinh mình vô văn hóa. Không hẳn có học vấn cao hay giàu sang là có văn hóa mà nhiều khi ngược lại. Có đoàn cán bộ quản lý đi tham quan mà cứ vô tư ném rác xuống đường! Rồi xô đẩy chen lấn ở chỗ ăn buffet hoặc mấy điểm mua vé. Người có văn hóa cũng đồng nghĩa với người có lòng tự trọng. Đó là những người biết tự tôn trọng mình, từ trang phục, lời ăn tiếng nói đến cách hành xử nơi công cộng. Họ không bao giờ làm phiền hay gây khó chịu cho người khác, tuân thủ các quy ước - quy định chung, không thỏa hiệp với cái xấu và biết giúp đỡ người già yếu, tàn tật...

Cách đây hơn chục năm, khi tổ chức các chương trình leo núi, xuống thác và đón giao thừa trên đỉnh Langbiang (Đà Lạt), vài du khách vô ý lột miếng plastic ở nắp chai nước ném xuống đất. Ông Didier Richard - một chuyên gia và là huấn luyện viên leo núi, đã cúi xuống lượm từng miếng plastic bỏ vào túi quần và giảng giải cho mọi người biết tác hại của nó với môi trường. Sau đó xuống núi cắm trại, từng thành viên đã ký thỏa ước bảo vệ môi trường, chung tay làm đẹp khu vực lều trại. Một lần khác đưa học sinh trường chuyên Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM đi dã ngoại ở Tây Ninh, các em đã làm ngạc nhiên nhiều du khách. Cô Lê Thị Hồng Liên - Hiệu trưởng nhà trường khi đó (sau này là Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) đã yêu cầu các em cùng hướng dẫn viên tổng vệ sinh khu vực vừa vui chơi với tâm niệm “Học sinh Nguyễn Du đi tới đâu thì môi trường ở đó phải sạch đẹp hơn”. Lớp học sinh đó giờ đã trưởng thành, nhiều em đang làm việc ở nước ngoài, chắc chắn vẫn lưu giữ những bài học giản đơn mà thiết thực đó.

Một dân tộc chỉ hùng cường và phát triển bền vững khi mỗi người dân có văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh. Học vấn thì phải học chứ văn hóa thì có thể quyết định bởi hành động của mỗi cá nhân. Ai cũng có thể làm được, ở mọi lúc mọi nơi. Như thế, những hành vi thể hiện văn hóa tốt của cá nhân sẽ tạo nên một nền văn hóa của cộng đồng.

Cần phải hành động ngay bằng những việc làm cụ thể, từ trong nhà ra trước ngõ đến ngoài phố và tận ở nước ngoài. Xin hãy bắt đầu từ việc nhỏ: Nói năng có thưa gửi - biết cảm ơn, xin lỗi. Biết giữ vệ sinh, biết xếp hàng, không xả rác và khạc nhổ bừa bãi, biết kính trên nhường dưới. Biết thương từ cành cây ngọn cỏ đến loài vật quanh mình... Làm vậy nghĩa là biết yêu mình. Có như vậy mới có thể yêu đất nước thật sự được. Nhiều việc nhỏ sẽ góp thành việc lớn.
 

NiceDream

Active member
"Cần phải hành động ngay bằng những việc làm cụ thể, từ trong nhà ra trước ngõ đến ngoài phố và tận ở nước ngoài. Xin hãy bắt đầu từ việc nhỏ: Nói năng có thưa gửi - biết cảm ơn, xin lỗi. Biết giữ vệ sinh, biết xếp hàng, không xả rác và khạc nhổ bừa bãi, biết kính trên nhường dưới. Biết thương từ cành cây ngọn cỏ đến loài vật quanh mình... Làm vậy nghĩa là biết yêu mình. Có như vậy mới có thể yêu đất nước thật sự được. Nhiều việc nhỏ sẽ góp thành việc lớn." Hãy làm như thế nhé những người Việt trẻ!
 
Top