Những trận chiến anh hùng của thuỷ thủ tàu không số

Nho_QueHuong

New member
Bắt đầu hành trình, mỗi tàu không số đều được gắn thuốc nổ, khi chiến đấu với địch và nhận thấy không thể vượt qua, thuyền trưởng sẽ cho phá hủy tàu, đảm bảo bí mật và không để vũ khí rơi vào tay kẻ thù.
>'Đường Hồ Chí Minh trên biển, kỳ tích sáng tạo của VN'/ Những kỳ tích trên biển của bộ đội công binh
Nguyên là trưởng tiểu ban tác chiến, huấn luyện, người làm kế hoạch tác chiến cho tàu không số đi vào 19 bến thuộc các tỉnh Nam Bộ, ông Nguyễn Hữu Tuần cho hay, để giữ bí mật tuyệt đối, tất cả các khâu đều được bảo mật. Những vùng xây dựng cầu cảng, bến bãi phải di dân, khoanh vùng nhưng cả chính quyền và người dân đều không biết bên trong dùng làm gì. Riêng đội đóng tàu được tuyển chọn kỹ, đóng tàu hai đáy và cũng không biết tàu đó được giao cho ai, chở gì.

“Thuyền trưởng và thủy thủ tàu không số không được tiết lộ nhiệm vụ với gia đình. Trước mỗi hành trình, họ phải gửi lại giấy tờ, ghi địa chỉ quê quán, người thân, chụp ảnh để lưu lại trong hồ sơ. Chúng tôi ngầm hiểu với nhau đó là những lần truy điệu sống để không may hy sinh còn có thông tin gửi về địa phương. Thế nhưng ai cũng quyết tâm chiến đấu vì đất nước, có thủy thủ không được đi đã bật khóc”, ông Tuần kể.

Vị chỉ huy kế hoạch tác chiến cho hay, mỗi chiếc tàu rời bến đều được gắn thuốc nổ xung quanh. Khi chiến đấu với kẻ thù và cảm thấy không thể vượt qua, thuyền sẽ được phá huỷ để đảm bảo bí mật và không để vũ khí rơi vào tay địch. Mọi giấy tờ, căn cước chiến sĩ mang theo cũng được làm giả, tàu đi đến địa phận nào tùy tình hình mà thay biển số cho hợp lý, đề phòng địch kiểm tra, phát hiện.

ba_Thanh[1].jpg
Trung tá Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền trưởng tàu 41. Ảnh: Trọng Thiết.

Giọng bùi ngùi, trung tá Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền trưởng tàu 41 cho hay, ông và đồng đội nhiều lần đối mặt với kẻ thù, chiến đấu anh dũng, nhưng cuối cùng phải cho nổ tàu vì không đủ sức đánh lại địch với lực lượng hùng mạnh. Ông kể, tàu 41 là tàu vỏ sắt đầu tiên được lựa chọn vận chuyển vũ khí vào bến khu 5. Tàu do ông làm thuyền trưởng, ông Trần Hoàng Chiều làm chính trị viên cùng 19 thủy thủ và 3 người là quân giải phóng được tỉnh ủy Phú Yên cử ra miền Bắc xin vũ khí.

Đêm 14/11/1964, tàu rời bến Bãi Cháy, 12 ngày sau thì vượt qua giới tuyến tạm thời trên biển. Sáng 27/11, đột ngột có máy bay địch từ đất liền bay đến lượn trên tàu nhiều lần. Sau khi hội ý, ông lệnh cho thuỷ thủ mang cờ của chính quyền Việt Nam cộng hòa kéo lên đỉnh cột buồm, đồng thời mang cá, mực đã chuẩn bị sẵn giả vờ tụ tập ngồi nhậu.

Chiếc máy bay tiếp tục bay lượn kiểm tra, hai tàu khác của địch từ đất liền tiến ra áp mạn song song với tàu 41. Một chiếc sau đó tách đội hình, các khẩu pháo trên tàu địch đều được mở bạt che, hướng nòng súng về phía tàu ta sẵn sàng nhả đạn. “Chúng tôi vẫn giả vờ ngồi nhậu, mặt khác bí mật chuẩn bị các loại súng B40, B41, lựu đạn chống tăng, bộc phá… sẵn sàng chiến đấu. Trong trường hợp cần thiết sẽ lao về phía tàu địch và cho nổ tung”, thuyền trưởng Thạnh kể.

Tuy nhiên, sau hai giờ theo dõi không phát hiện nghi vấn, địch cho tàu tăng tốc chạy vào bờ. Tàu 41 thẳng tiến đến đích và khi cách khoảng một hải lý, tàu thả trôi chờ tín hiệu của bến. “Khi phía bờ có ánh đèn pin chớp lên rồi vụt tắt, chúng tôi sung sướng vì từ đó chúng ta đã có thêm một bến mới, bến Vũng Rô”, trung tá Thạnh hồ hởi nói.

Ông cho hay, tàu 41 dường như có duyên với những cái mới. Năm 1966, khi Mỹ tổ chức lực lượng đặc nhiệm ken dày chốt các cửa sông, tàu được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào chiến trường khu 5, vào bãi ngang Đức Phổ, Quảng Ngãi. Đây là lần đầu tiên sử dụng phương pháp thả hàng xuống biển, đánh dấu để bến vớt lên dần.

tau[1].jpg
Con tàu mang số hiệu 41 (nay được đổi là HQ 671) là tàu không số duy nhất còn lại hiện nay. Ảnh: Trọng Thiết.

Trước chuyến đi, để làm quen với địa hình nơi tàu đến, thủy thủ tàu 41 có gần nửa tháng luyện tập với đặc công nước ở bãi biển Đa Lạt (Thái Bình). Đêm 19/11/1966 tàu rời bến. 8 ngày sau thì đến đúng địa điểm nhưng không nhận được tín hiệu hiệp đồng. Hai thủy thủ thông thạo nghề biển, bơi giỏi, mang áo phao và vũ khí cá nhân nhận nhiệm vụ bơi vào bờ bắt liên lạc với bến, lực lượng còn lại tập trung thả hàng.

“Lúc đó, có hai tàu địch đang theo dõi chúng tôi, thi thoảng lại dùng đèn tín hiệu liên lạc với nhau. Thả được 1/3 lượng hàng thì nhận được tín hiệu trong bờ, không khí làm việc khẩn trương hơn nhưng do sóng thuỷ triều lớn đã làm chân vịt bị cong không thể cơ động xa được”, ông Thạnh kể.

Trước tình thế nguy cấp, ông Thạch quyết định đưa người vào bờ, còn thuyền trưởng, máy trưởng ở lại chuẩn bị điểm hoả bộc phá hủy tàu rồi bơi vào bờ sau. Con tàu nổ tung cũng là lúc các cỡ pháo trên tàu địch bắn tới tấp vào bờ chặn đường rút lui của thủy thủ ta. Hai người đã hy sinh, số còn lại vượt đường Trường Sơn, ba tháng sau mới về đến miền Bắc.

Trong ký ức của nguyên thuyền trưởng tàu 41, có những người đồng đội đã hy sinh mà đến giờ ông vẫn còn đau xót. Đó là những thủy thủ tàu 165 chở hàng vào bến Vàm Lũng (Cà Mau) năm 1968 do Nguyễn Chánh Tâm làm thuyền trưởng, Nguyễn Ngọc Lương là chính trị viên cùng 18 thủy thủ. Tàu chở 64 tấn vũ khí, xuất phát ngày 25/2. Đến 18h ngày 29/2, sau bức điện cuối cùng, tàu mất hoàn toàn liên lạc. Biết tàu gặp địch nên mấy ngày sau đó anh em ở bến cử người đi dọc bờ biển tìm dấu vết. “Cả người và thuyền đều không thấy, đồng đội chỉ tìm được nhiều mảnh gỗ có vết đạn nham nhở trôi dạt vào bờ”, ông Thạnh kể.

Cũng trong năm 1968, tàu 235 chở vũ khí vào bến Hòn Hèo (Khánh Hòa) do Nguyễn Phan Vinh làm thuyền trưởng và Nguyễn Tương làm chính trị viên cùng 20 cán bộ, thủy thủ. Ngày 6/2/1968 tàu xuất phát. Ngày 29/2, khi qua vùng biển Nha Trang thì máy bay địch phát hiện. 20h cùng ngày, thuyền trưởng quyết định chuyển hướng vào bờ. Lúc này, hải quân vùng 2 duyên hải của địch đã điều động nhiều tàu chiến đến bao vây với ý định bắt sống tàu ta.

Một khó khăn cho tàu 235 là khi quay vào bờ không gặp bến đón. Trong lúc nguy cấp, thuyền trưởng chỉ đạo thủy thủ thả hàng xuống biển, sau này bến vớt lên. Khi thả được 2/3 số hàng thì thuyền trưởng cho ngưng và đưa tàu chạy ven bờ xa nơi thả hàng. Tàu chiến địch lập tức đuổi theo và một cuộc chiến không cân sức đã diễn ra khiến thuyền trưởng và máy trưởng bị thương, máy tàu hỏng nặng không thể cơ động xa.

“Lúc này anh Vinh đã cho tàu vào gần bờ để những người bị thương sơ tán lên, còn anh và thợ máy ở lại chuẩn bị điểm hỏa bộc phá tàu rồi bơi vào bờ sau. Tiếng nổ của con tàu khiến địch điên cuồng bắn phá ven biển nhằm dọn đường cho bộ binh vây bắt thủy thủ. Anh Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh”, thuyền trưởng Thạnh ngậm ngùi.

Mái tóc đã bạc nhưng giọng nói còn sang sảng, đại tá Trần Phong, nguyên quyền đoàn trưởng đoàn 125 Hải quân tâm sự, thời đại của thế hệ ông với tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh đã làm nên huyền thoại đường không dấu, tàu không số, trí - hiếu - trung - dũng - anh hùng. "Ngày nay, ta có trời, có biển thì phải biết giữ gìn. Nếu tổ quốc cần chúng tôi, các anh cứ gọi. Chúng tôi luôn sẵn sàng”, ông dặn dò thế hệ lãnh đạo hải quân tiếp nối.

Hoàng Thùy
 

yooleegirl

Trưởng nhóm HĐH Sài Gòn
ngày mai là ngày kỉ niệm chuyến tàu không số cuối cùng cập bến thì phải =.=
hic hic, kiến thức lịch sử vất đi hết
 
Top