Phát hiện thêm nhiều di tích thời Hùng Vương tại Vĩnh Bảo

Nho_QueHuong

New member
Thời cổ đại của lịch sử nước ta bắt đầu từ nhà nước Văn Lang với các vua Hùng dựng nước. Theo thống kê của Cục Văn hoá cơ sở ( Bộ Văn hoá thể thao và du lịch), cả nước có hơn 1400 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật có liên quan thời đại Hùng Vương. Ở huyện nhà chỉ tính riêng 55 di tích đã được nhà nước xếp hạng có tới 11 di tích thờ vua Hùng và các tướng lĩnh nhà Hùng. Đó là các di tích: Đình Quán Khái xã Vĩnh Phong; Đình Điềm Niêm xã Tân Hưng; Đình Chanh Chử xã Thắng Thuỷ; Đình Tứ Duy xã Hưng Nhân; Đình Nhân Mục, Đình Mai Sơn xã Nhân Hoà; Miếu Bến xã Thắng Thuỷ; Đình Hà Hương xã Vĩnh Long; Đình Thượng Điện, Miếu Nhân Giả xã Vinh Quang... Theo điều tra mới nhất, ngoài các di tích trên toàn huyện còn có 07 nơi thờ các nhân vật thuộc thời đại này như: Đình Áng Ngoại xã Trung Lập thờ Công chúa vua Hùng; Đình Liễn Thâm thị trấn Vĩnh Bảo thờ Quý Minh Đại Vương; Đình Cúc Thuỷ, Đình Thanh Khê xã Thanh Lương; Đình Đông Lôi xã Thắng Thuỷ thờ Cao Sơn; đìnhPhần Thượng xã Vĩnh Phong thờ Tản Viên Sơn Thánh; Miếu Tạ Ngoại Miếu Tây Tạ Thượng Đồng xã An Hoà đều thờ các Tướng lĩnh có công giúp Vua Hùng diệt giặc.
Những con số, những địa danh trên thể hiện vị trí quan trọng của các vua Hùng trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Sự có mặt và tồn tại của các di tích trên cùng với những truyền thuyết thời đại Hùng Vương đã khẳng định: Chúng ta là dòng dõi con rồng, cháu tiên. Ngay trong thời kỳ dân tộc mới sinh ấy, truyền thống đấu tranh của nhân dân Vĩnh Bảo được thể hiện rất rõ, khẳng định vai trò chủ nhân của mình ở một miền đất có vị trí quan trọng về kinh tế và quốc phòng. Các bản ngọc phả, thần tích còn lưu lại tại các đình, miếu ngoài việc ngợi ca tài đức, công lao của các tướng lĩnh nhà Hùng còn ghi lại rất rõ việc nhân dân các trang, các làng của Vĩnh Bảo hết lòng ủng hộ các tướng lĩnh khi họ lập hành dinh, bản doanh...trên địa phương mình. Không chỉ thế, thanh niên trai tráng các làng còn tích cực đầu quân cùng các tướng lĩnh lập nên những chiến công, góp phần làm nên khúc khải hoàn ca của dân tộc. Cũng qua những truyền thuyết này chúng ta thấy đựơc khả năng sáng tạo dồi dào, phong phú của cha ông mình về truyền thống dựng nước và giữ nước, gợi được cội nguồn dân tộc cùng mạch sống liên tục, bền bỉ của cha ông, nhờ đó chúng ta có sức mạnh truyền thống trải dài mấy thiên niên kỷ.
Hàng năm hướng tới ngày giỗ tổ 10/3 tại các nơi thờ vua Hùng và những nhân vật có công với đất nước thời đại Hùng Vương, chính quyền và nhân dân các xã Nhân Hoà, Vinh Quang, Tân Hưng, Hưng Nhân, Vĩnh Phong, Thắng Thuỷ, ...đều nô nức mở hội, thành kính tổ chức các nghi lễ dâng hương tưởng niệm công ơn của các Đức Thành Hoàng, ôn lại những chiến công, những kỳ tích chống thiên nhiên và chống ngoại xâm trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc đồng thời bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân đã có công lao xây dựng, gìn giữ và bảo vệ non sông gấm vóc từ ngàn đời. Đó là một hoạt động có ý nghĩa giáo dục truyền thống đối với toàn thể nhân dân, là sự khẳng định lòng yêu nước, hướng về tổ tiên, hướng về cội nguồn, là động lực tinh thần góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân cùng vượt qua những gian lao khắc nghiệt của chiến tranh, thiên tai, khó khăn...củng cố niềm tin cho cộng đồng để cùng nhau hướng tới tương lai xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh hơn, to đẹp hơn.
 
Top