Phụ huynh đồng hành cùng sĩ tử: Động viên hay áp lực?

hoangdaica

Summerwind
(Dân trí) - Sợ bố nổi giận và thất vọng nên sau mỗi môn thi, Thái đều gật đầu làm bài được để ông yên tâm. Cậu phát khóc khi nghe bố nói với các phụ huynh khác: “Thằng con tôi làm bài tốt lắm, đỗ là cái chắc”.

phuhuynh1172011_b605c.jpg

Phụ huynh chờ con trước cổng trường thi tại cụm ĐH Công nghiệp TPHCM.​

Trước mỗi môn thi, những lời “tiễn con vào cánh cổng trường thi” của nhiều PH không giúp cho bình tĩnh mà còn tăng thêm sự hồi hộp. Ngoài lời nhắn nhủ con tự tin làm bài, có PH còn “răn”: “Phải đỗ đấy con nhé!”. Có ông bố bà mẹ còn nhắc lại công sức nuôi dưỡng con 12 năm ăn học của mình, con không được phụ công sức đó để nhắc nhở phải thi đỗ. Có thí sinh còn phải nghe lời dọa "thi trượt thì về bẽ mặt với mọi người, lại vác cày đi sau con trâu".

Sau mỗi môn thi, tưởng rằng gánh nặng bài làm sẽ được trút bỏ khỏi các em vì “mọi thứ đã xong” nhưng đây lại là phút lo lắng nhất của thí sinh. Họ phải đối mặt với sự hỏi han, quan tâm và đầy kỳ vọng của bố mẹ. Chính điều đó làm nhiều em không dám nói về cảm xúc thật của mình.

Trong kỳ thi khối B, tôi nghe tâm sự của một thí sinh tên Thái, quê ở Cà Mau thi vào ĐH Công nghiệp TPHCM. Biết bố dễ nổi nóng và luôn tỏ ra thất vọng khi con trai không làm được việc nào nên trong thâm tâm Thái không muốn bố đưa mình đi thi. Đợt thi tốt nghiệp, khi Thái báo làm bài môn Toán chưa thật tốt thì người bố đã ném ngay cốc nước trên tay rồi lên giường nằm thở dài liên tục không nói một câu. Nên ở kỳ thi này, Thái không còn dám mở lời nói mình làm bài không được.

“Trước khi vào phòng thi bố em nhắc đi nhắc lại "Phải đỗ con nhé!". Khi em vừa rời phòng thi đã thấy bố đã chờ sát cổng trường và hỏi ngay: “Làm bài tốt chứ con?”, nên chỉ biết gật đầu trong khi sự thật không phải vậy. Em sợ bố quát tháo ầm ĩ và tỏ ra buồn bã thất vọng lắm”, Thái nói. Áp lực chồng áp lực khi Thái nghe bố khoe với mấy phụ huynh khác: “Thằng con tôi làm bài tốt lắm, đỗ là cái chắc” và ông còn lo xa bàn chuyện mừng liên hoan con đỗ đại học, rồi chuẩn bị tiền nong cho con nhập học.

“Đến môn thi cuối em chẳng còn tập trung gì hết, nghĩ đến những câu nói của bố em chỉ muốn bỏ thi”, Thái chia sẻ.

Là một học sinh giỏi nên việc đỗ đại học đối với N.T.M ((quê ở Vĩnh Long), thi vào trường ĐH Ngoại thương trở thành điều hiển nhiên trong mắt bố mẹ. Từ lâu, gia đình đã tính tới việc mua cho con chiếc xe máy để tiện đi học. Họ không hề hay biết điều đó trở thành áp lực tinh thần khủng khiếp với cô con gái.

Đưa con đi thi, trong khi nhiều PH lo lắng con mình có làm được bài không thì mẹ của M tự tin: “Con tôi học giỏi lắm, thi cho có vậy thôi chứ đậu là cái chắc, biết đâu thủ khoa cũng nên”. Rồi để chứng minh bà còn kể về con trai đang học kinh tế, học không giỏi bằng em gái mà hai năm trước thi cũng được 25 điểm.

phuhuynh11720112_296ba.jpg

Một phụ huynh tỏ rõ sự thất vọng về con khi biết con làm bài không tốt.​

Mỗi khi rời phòng thi, M lại thấy ngại ngần lẫn lo lắng khi thấy những ánh mắt của nhiều PH khác nhìn mình ngưỡng mộ. Người mẹ vẫn tranh thủ tự hào thêm về con bằng cách hỏi thăm: “Đề dễ ợt phải không con?”, làm M chỉ muốn nổi cáu.

“Thi cử còn có may rủi nhưng bố mẹ thì cứ đinh ninh như thể con mình đỗ rồi. Em biết bố mẹ tự hào về mình nhưng thật ra như vậy giống như ép buộc em phải thi đỗ thì đúng hơn. Nếu kỳ này về trượt, chắc em chỉ có nước chết”. Không biết bố mẹ cô gái có lúc nào đặt mình vào vị trí của con để hiểu cảm giác, suy nghĩ lo sợ này của con không?

Bố mẹ nào cũng lo lắng, cũng mong muốn con mình đỗ đạt. Nhưng dường như đang quá nhiều sự động viên, lo lắng đặt mọi kỳ vọng lên vai trẻ. Thậm chí đó còn là sự ra lệnh con phải đạt được những gì bố mẹ mong muốn mà không lường được rằng áp lực đó có thể “giết” con mình.

Nhắc đến điều này, tôi lại nhớ đến lời nhắn nhủ của PH tên Việt quê ở Nghệ An bắt tay cậu con trai trước giờ thi : “Con đừng lo lắng đến việc đỗ hay trượt, làm bài hết sức mình là đã thành công rồi”. Có thể người bố này đang giấu đi suy nghĩ thật của mình nhưng với lời động viên đó, chắc chắn đứa con sẽ cố gắng hết sức mình để thi đỗ mà không phải lo sợ quá nhiều áp lực.
 
Top