Rộn Ràng Hội Pháo Đất Làng Cốc <Xã Hùng Tiến _VB>

Nho_QueHuong

New member
Mới đây về thăm đình làng Cốc xã Hùng Tiến (huyện Vĩnh Bảo), du khách không chỉ được chiêm ngưỡng một di tích lịch sử linh thiêng mà còn được hòa mình vào lễ hội pháo đất đậm chất dân gian.

hoi%20phao%20dat.jpg


Các bậc cao niên trong làng cũng không nhớ trò chơi này có từ bao giờ. Chỉ biết, từ rất lâu, pháo đất đã là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết. Lũ trẻ trâu nơi đây bên cạnh những trò chơi phổ biến như ô ăn quan hay đánh đáo, đánh bi, cũng tập tành đánh pháo. Hằng năm, từ tháng 8 đến tháng 10 là khoảng thời gian của “hội pháo đất”. Có tiếng vỗ đất, tiếng gieo pháo bồm bộp và có cả những đêm dài không ngủ.

Cuối tháng 11 vừa qua, tại lễ khánh thành đình làng Cốc, hội thi pháo đất được tổ chức với sự tham gia của 6 đội. Mỗi đội gồm 10 pháo thủ chính thức và 6 pháo thủ dự bị. Theo ông Nguyễn Đắc Tảo- đại diện ban giám khảo, các đội chia làm 3 bảng và đấu loại trực tiếp. Mỗi trận là một hội và gồm 8 tơn, 3 gieo, 3 đập. Đội nào về trước 4 tơn coi như thắng một cuộc và về trước 8 tơn là thắng cả hội. Cách thức tính điểm bằng que đo. Que có chiều dài 2m, phần ăn là 88 phân. Vượt ra khỏi “phần ăn” này, các đội sẽ đựơc trọng tài tính điểm. Sau khi chuẩn pháo, các pháo thủ sẽ thực hiện kỹ thuật xuống pháo. “Nghệ thuật” là ở chỗ, xuống pháo làm sao lân mông ( phần bên trong) và lân đượn (vành ngoài) càng lăng xa nhau càng tốt và đượn phải thẳng.

“Nguyên liệu” chính là đất. Đất đánh pháo quan trọng là giữ nước tốt. Bác Nguyễn Đình Dũng- một người chơi pháo lâu năm cho biết: Để đất duy trì độ dẻo và không bị khô trong suốt quá trình đánh, các pháo thủ trước hết phải tìm loại đất thịt dẻo, sau đó “tước” cho không còn xơ, lấy muối và lá khoai giã nhuyễn để trộn với đất. Muối giúp giữ nước còn lá khoai tăng độ dẻo, độ đanh cho đất. Kỹ thuật bấm mẫu phải thật đều tay. Ngoài ra, các pháo thủ còn phải có tinh thần thi đấu tốt và thể lực dẻo dai.

Bác Dũng vui vẻ chia sẻ: “Số năm chơi pháo có lẽ cũng xấp xỉ tuổi đời của tôi đấy. Năm nào chúng tôi cũng có đội tham gia”. Khi được hỏi về thành tích của đội, bác tự hào “khoe”: Đội đã rất nhiều lần đoạt giải, năm ngoái, trong dịp lễ hội đền Trạng (tổ chức tháng 11 hằng năm) đội cũng tham gia và đoạt giải nhì. “Trò chơi vừa để rèn luyện sức khỏe, mặt khác còn là nơi gắn kết các giá trị văn hoá cộng đồng”- ông Nguyễn Đắc Tảo cho biết thêm.

Vậy là đâu đó bên cạnh những nét thay đổi ngày càng mang tính hiện đại thì ở một góc của bức tranh dân gian dân tộc đa màu ấy vẫn lưu giữ một nét đẹp cổ truyền. Hi vọng rằng ngoài những thú vui tao nhã như ngâm thơ, đánh cờ..., trò chơi vận động này cũng góp phần làm nên nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc.

(Theo báo Hải Phòng)
 
Top