Đình Quán Khái - Vĩnh phong - Vĩnh Bảo

taodo

Trùm quậy phá VBC
article4822.jpg

Đình Quán Khái thuộc thôn Quán Khái, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 40km về phía đông nam. Theo danh sách các làng xã Việt Nam vào thời Nguyễn (1802 - 1945), Quán Khái là một xã thuộc tổng An Lạc, huyện Vĩnh Bảo, cùng các thôn khác như Linh Động, Thâm Động, Phần Thượng và Hà Cầu. So với các thôn lân cận trong tổng An Lạc, làng Quán Khái nghèo khó, vất vả làm ăn mãi đến nửa đầu thế kỷ XX, tức năm Duy Tân thứ 13 (1916) mới khởi dựng hoàn chỉnh được ngôi đình.

Kinh phí làm đình do dân làng đứng ra quyên góp, người đứng ra hưng công là cụ Chánh Bát, một người có uy vọng ở làng Quán Khái, lo tìm kiếm thợ giỏi, nguyên vật liệu làm đình. Thời gian chuẩn bị và thi công ngôi đình kéo dài gần chục năm, mãi đến năm 1916 mới hoàn thành, do tài năng điêu luyện của hiệp thợ Cúc Bồ, Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) thực hiện.

Đình Quán Khái tôn thờ Tản Viên Sơn thánh, hai công chúa Nữ Oa và Chiêu Huy. Vào cuối đời vua Hùng thứ 18, trong lúc tuổi đã cao mà 20 hoàng tử lại mất sớm, không có người nối ngôi, muốn nhường ngôi cho con rể là Tản Viên Sơn thánh. Nhân cơ hội này, nhà Thục ở Ai Lao có ý định cướp quốc gia láng giềng Văn Lang. Thục Phán đem 3 trăm vạn tinh binh họp ở cửa bể chuẩn bị tấn công nhà nước Văn Lang. Nhà vua nhận được tin vô cùng lo lắng và cho gọi Tản Viên Sơn thánh lại hỏi ý kiến, đồng thời giao cho thống lĩnh thuỷ - bộ binh ứng chiến. Đạo quân Thánh Tản Viên tiến vào đạo Dương Tuyền (sau đổi thành trấn Hải Dương) địa phận trang Quán Khái, quận Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng lưu 1000 quân đóng ở đây. Ông thấy nơi này là vùng đất có địa thế 'rồng ấp, hổ chầu', thắng cảnh quang đãng vô cùng bèn truyền lệnh cho quân sĩ cùng dân chúng lập đồn binh để phòng chống giặc. Sau một thời gian, ông cất quân từ đạo Dương Tuyền đi đánh giặc, giặc thua bỏ chạy toán loạn. Thắng trận trở về, ông được vua mở tiệc ban tặng rất hậu. Sau khi ông mất, nhân dân địa phương nhiều nơi lập đền thờ ông, trong đó có Quán Khái.

Đình Quán Khái là một tổng thể công trình kiến trúc cổ mang niên đại nghệ thuật Nguyễn đầu thế kỷ XX, chỉnh thể di tích bao gồm hồ bán nguyệt, sân, từ chỉ, toà đại hình, tường bao và hệ thống cổng ra vào xây cất theo lối 'ngũ môn' (5 cửa lớn). Các hạng mục công trình của di tích được bố trí đăng đối, dựa theo đường 'thần đao' thẳng từ hậu cung qua toà bái đường, sân cổng cùng cảnh quan thiên nhiên bao bọc quanh phạm vi di tích. Nhìn từ trên cao xuống ta nhìn rõ thấy 6 mái lợp ngói mũi hài với 10 mái đao cong vút, bờ nóc mái còn giữ nguyên những hình thức trang trí tạo hình con kình, đầu lá guột hoá long, tương xứng với tầm vóc của ngôi đình.

Với giá trị là một ngôi đình có công trình kiến trúc nghệ thuật vào loại quí hiếm ở Hải Phòng hiện nay, vì kèo đình Quán Khái đều làm theo kiểu 'chồng rường giá chiêng'. Kết cấu vì nóc hậu cung hay toà bái đường đều cao, thoáng và đặc biệt được tô điểm những mảng chạm khắc tỉ mỉ, nội dung đa dạng, đề tài phong phú.

Hình tượng con rồng được thể hiện nhiều nhất trong các bộ phận kiến trúc và các di vật trong di tích. Rồng được trang trí 'chầu mặt nhật' bờ nóc mái, đầu dư trong bộ khung chịu lực. Rồng trang trí trên các mảng chạm đơn lẻ trong các tư thế: độc long, long cuốn thuỷ, hoa lá... với bút pháp cách điệu đầy sáng tạo, ở trình độ cao. Lân trang trí ở đình Quán Khái được gọi là 'Kim Nghê' góp mặt cùng các linh vật khác trong bộ tứ linh phối hợp đắp vẽ trên bờ nóc mái kiến trúc, thành một cặp tả hữu.

Rùa trang trí tại đình Quán Khái được các nghệ nhân thể hiện khá linh hoạt, khi thì được đặc tả giống như thật trong tư thế im lặng, khoan thai, lúc được hoá thành hình vuông, hình lục giác, lưng đựng hòm sách, hoặc một cuốn thư cây bút... Mảng đề tài cỏ cây, hoa cảnh thiên nhiên cũng được thể hiện trong trang trí kiến trúc của đình. Các loài hoa quí cách điệu, hoá thân nghệ thuật thành rồng, phượng. Bộ tranh tứ bình thể hiện 4 mùa xuân, hạ, thu, đông; Bộ tứ quí tùng, cúc, trúc, mai. Các đồ án trang trí hoa truyện, hồi văn, chữ thọ, trám lồng, xoắn ốc cũng được sử dụng hài hoà trong hàng chục kiểu biến thể khác nhau.

Ngoài giá trị lịch sử tôn thờ nhân vật lịch sử thời đại Hùng Vương, giá trị kiến trúc và nghệ thuật trang trí mẫu mực đầu thế kỷ XX ở thành phố Hải Phòng, đình Quán Khái còn bảo lưu nhiều đồ thờ tự như hương án, tranh, tượng tròn, câu đối, đại tự, cửa võng, sập, chấp kích, long đình, bát biểu... phản ánh truyền thống làm nghề thủ công mỹ nghệ lâu đời của quê lúa Vĩnh Bảo còn được lưu truyền đến ngày nay.

Lễ hội truyền thống hàng năm diễn ra từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 3 âm lịch, thu hút sự chú ý của đông đảo nhân dân các xã, huyện và tỉnh bạn.

 
Top