Đường đến trường gập ghềnh của cậu học trò lớp 6

aladdin

New member
(HĐTT) - Người chồng mất đi để lại chị và đứa con thơ dại bơ vơ. Nỗi đau mất chồng càng lớn hơn khi chị sợ sức lực bé nhỏ của mình không thể hoàn thành tâm nguyện của anh: nuôi con ăn học thành tài.


Sau ngày chồng mất, chị Nhung cho biết có thể cháu Triều sẽ phải nghỉ học bởi gia đình quá khó khăn.
Nhận được điện thoại của độc giả với lời nhắn: “Các anh giúp mẹ con chị ấy với, chồng chết, bản thân ốm đau, sợ rằng đứa con duy nhất phải bỏ học giữa chừng”, chúng tôi tức tốc lên đường. Người đàn bà góa và nỗi lo sự học của con phải đứt gánh giữa đường là chị Võ Thị Nhung (SN 1963, xóm 9, xã Diễn Thành, Diễn Châu, Nghệ An).

Căn nhà nhỏ, nghèo khó hôm nay lại càng cô quạnh hơn. Trên khoảng sân nhỏ bàn ghế lộn xộn, chị vừa làm đám tang cho chồng. Gian nhà cấp 4 đã bị đập đi để chuẩn bị xây lại, thì anh Đậu Công Minh mất.

Chị Đậu Thị Hậu - người cháu họ của anh Minh lặng thầm bên di ảnh, sụt sùi: “Căn nhà này xây lâu lắm rồi, tường hư hỏng, mối mọt ăn hết rường, xà, có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Vừa rồi, Chủ tịch Hội người mù huyện (huyện Diễn Châu) có đến động viên gia đình cố gắng xây lại gian nhà, Hội và UBND xã sẽ hỗ trợ cho một phần. Đắn đo, dạm hết anh em để vay tiền xây nhà vợ chồng chú mới dám đập gian nhà này đi. Nhưng nhà vừa đập xong, chưa kịp xây thì chú ấy bỏ mự (mợ) và em đi rồi”.
Anh Đậu Công Minh bị mù bẩm sinh. Cũng bởi nhà quá nghèo nên chàng trai mù ấy chẳng dám mơ về một gia đình hạnh phúc, cho đến một ngày may mắn anh gặp và được chị Võ Thị Nhung (lúc ấy đã gần 30 tuổi, cái tuổi mà người dân nơi đây vẫn gọi là quá lứa, lỡ thì) chấp nhận làm bạn với nhau. Năm 2001, cháu Đậu Công Triều ra đời. Một người đàn ông mù, một người đàn bà ốm yếu, giờ thêm một đứa bé, khó khăn bủa vây tứ bề.
Cả ba con người khốn khổ ấy chỉ biết trông vào 4 thước ruộng của anh và gần 1 sào ruộng ông bà ngoại chia cho chị. Chừng ấy ruộng, nếu được mùa cũng chỉ đủ gạo ăn trong 3-4 tháng. Thương vợ, dù sức lực không được bao nhiêu, anh Minh ngày ngày vẫn mò mẫm chẻ trẻ làm tăm nhập cho Hội người mù huyện kiếm dăm bảy ngàn đồng. Còn chị Nhung đi lựa lạc (nhặt lạc - PV) thuê cho người ta, mỗi ngày kiếm được 15.000 -20.000 đồng. Tằn tiện hết mức, cả nhà cũng chỉ đủ mua mớ rau, cá vụn ăn qua bữa. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Hội người mù huyện Diễn Châu, hai vợ chồng mua được con bê nhỏ. Đó cũng là tài sản lớn nhất mà vợ chồng chị có.

Không đủ ăn nên 11 tuổi mà cháu Triều (học lớp 6) nhỏ như đứa bé lên 7. Con nhà nghèo khó nên Triều sớm biết nghĩ hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. Mẹ đi làm từ sáng đến quá trưa mới về nên mọi việc trong nhà như chăm sóc bố, cắt cỏ cho bò...đều một mình em chu tất.

Vất vả, thiếu thốn nhưng Triều học rất giỏi, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Trong kỳ thi khảo sát chất lượng cuối năm vừa rồi, Triều được điểm 10 môn Toán. Không nhìn thấy gì nhưng đưa bàn tay chai sần đầy những vết cắt do nan tre để lại, anh Minh mân mê tấm giấy khen của con mang về, lòng vui lắm.

“Dù có khó khăn, thiếu thốn đến thế nào đi nữa, vợ chồng mình cũng phải cố nuôi con ăn học thành người”, anh đã nói với vợ như thế trước ngày lìa xa khỏi thế gian này.

Hai mẹ con chị Nhung trước căn nhà đã bị đập dang dở, chỉ còn lại 1 gian không cửa trống huơ, trống hoác...
Cũng bởi thương vợ, thương con nên bệnh tật trong người anh Minh giấu biệt. Nén nỗi đau, anh vẫn hàng ngày ngồi tỉ mẫn vót tăm cho đến một ngày đôi bàn tay anh quá run chẳng thể cầm nổi dao nữa. Anh đổ bệnh nhưng nhất quyết không chịu đi khám bởi anh biết mình chẳng thể qua nổi, khám rồi biết bệnh tình vợ con lại phải lo thêm tiền thuốc thang mà nhà thì ngày càng túng thiếu.
“Hai giờ sáng ngày 6/6/2011, tôi tỉnh giấc chẳng còn nghe tiếng thở nặng nhọc của anh ấy nữa. Sờ vào chân tay thấy anh ấy lạnh toát, anh ấy chết mà chẳng trăng trối được với vợ con một câu. Giá như vợ chồng tôi đừng nghèo thế này thì anh ấy chẳng phải đoản mệnh như thế”, hai hàng nước mắt lăn dài trên đôi má gầy guộc, sạm đen của người đàn bà khốn khổ đã phải bất lực trước cái chết của chồng.
Anh em chòm xóm xúm lại lo cho anh đám tang chu tất. Trong nhà đáng giá nhất chỉ có chiếc giường cũ kỹ, nhưng không đành lòng để chồng nằm dưới nền đất lạnh nên chị đã quyết hóa chiếc giường gửi xuống cho anh.

“Đốt giường rồi, hai mẹ con chị ngủ vào đâu?” - Tôi hỏi. Chị lắc đầu buồn bã: “Trải chiếu xuống đất để nằm chú ạ. Anh ấy khổ sở, thiếu thốn cả đời rồi, tôi không thể để anh ấy chết mà đến chiếc giường để nằm cũng không có”.

Thấy gia đình có tang, chẳng ai thuê chị lựa lạc nữa, hai mẹ con chưa biết bấu víu vào đâu để sống tiếp trong khi di chứng của vụ tai nạn hồi Tết vẫn hành hạ chị mỗi khi trái nắng trở trời. Cái ăn, cái mặc dù rất thiếu thốn, nhưng nỗi lo lớn nhất của chị là thằng bé Triều có thể phải nghỉ học giữa chừng khi năm học mới đang chuẩn bị đến.


Biết cơ hội đến trường của mình đang dần khép lại, thằng bé ngục đầu vào vai mẹ thổn thức. Chị Hậu cho biết: “Gia cảnh mự ấy khó khăn mà anh em ai cũng nghèo, không thể giúp được thêm gì cả. Nhưng em nó học giỏi như thế mà phải nghỉ học giữa chừng thì chú tôi dưới mồ chắc chẳng nhắm mắt được”.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ cũng như lãnh đạo Diễn Thành cho biết: hoàn cảnh của mẹ con chị Nhung đặc biệt khó khăn. Xã cũng đã xét vào diện hộ nghèo để hỗ trợ gia đình nhưng vì xã cũng nghèo nên chẳng thể giúp gì được thêm...

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Chị Võ Thị Nhung, xóm 9, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, Nghệ An.
ĐT: 01674.474.345 chị Đậu Thị Hậu em dâu chị Nhung
2. Quỹ Diễn đàn Hoạt động từ thiện:
Địa chỉ : Tầng 4, Toà nhà D, Vinaconex 3, Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 042.2150510- Fax: 046.2691011
Chuyển khoản : Chủ tài khoản: DIỄN ĐÀN HOẠT ĐỘNG TỪ THIỆN - Số TK: 10824237112882 - Tại: Ngân hàng Techcombank chi nhánh Bát Đàn, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Chú ý : Các bạn thành viên chuyển khoản nhớ ghi rõ Nguồn chuyển và mail lại thông tin cá nhân và nick name trên diễn đàn vào hộp thư info@hoatdongtuthien.org để BQT được biết.




Nguyễn Duy
Dân trí
 
Top