[ Đất và người VB] Truyền thống khoa cử huyện Vĩnh Bảo

taodo

Trùm quậy phá VBC
Theo sử sách, các triều đại phong kiến nước ta đã tổ chức 185 khoa thi, khoa đầu tiên vào năm Ất Mão ( 1075) đời vua Lý Nhân Tông, khoa thi cuối cùng vào năm Kỷ Mùi (1919) đời vua Khải Định. Cho đến nay có nhiều sách thống kê số người đỗ đại khoa của nước ta qua các triều đại, trong đó có huyện Vĩnh Bảo.

Theo bảng tổng kê những vị đỗ đại khoa quê quán Hải Phòng của tác giả Ngô Đăng Lợi thì Vĩnh Bảo có 26 vị đỗ đại khoa trên tổng số 103 vị của Hải Phòng chiếm 25 %. Theo sách “Các vị trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa qua các triều đại phong kiến Việt Nam” của Trần Hồng Đức- Hội khoa học lịch sử Việt Nam thì tổng số các vị đỗ đại khoa của Vĩnh Bảo là 30 người trong tổng số 108 vị của Hải Phòng chiếm 28%. Dù theo tài liệu nào thì Vĩnh Bảo vẫn là huyện có số người đỗ đại khoa cao nhất của Hải Phòng. Từ những con số đó, người Vĩnh Bảo luôn tự hào và khâm phục về truyền thống cử nghiệp của quê hương mình. Trong số 30 vị đỗ đại khoa của Vĩnh Bảo thuộc 7 xã và thị trấn là: Cao Minh, Cổ Am, Hùng Tiến, Tam Đa, Cộng Hiền, Dũng Tiến, Thị Trấn, Lý Học và một số vị chưa rõ đơn vị xã. Đứng đầu là Cao Minh (4 vị); Cổ Am (3 vị); Hùng Tiến (3 vị); Tam Đa (2 vị); Cộng Hiền (2 vị). Nhưng trong thực tế, số người đỗ đại khoa của Vĩnh Bảo thời trước hẳn không chỉ có vậy, mà có thể còn cao hơn. Bởi vì, một số khoa thi của triều Lý, Trần và Mạc không được ghi chép đầy đủ, địa danh luôn thay đổi. Hiện nay chỉ có thể thống kê được những vị đỗ đại khoa mà chúng ta còn may mắn biết được đôi nét về họ qua những nguồn thư tịch cổ. Trong thời kỳ phong kiến, Vĩnh Bảo tự hào là huyện đứng đầu về các vị đỗ đại khoa, đặc biệt trong số 7 vị tam khôi của Hải Phòng thì Vĩnh Bảo có 5 vị. Đó là:

- Nguyễn Bỉnh Khiêm, quê Trung Am, Lý Học, đỗ Trạng nguyên năm Ất Mùi (1535), làm quan đến chức Thượng thư, Thái phó tước Trình Quốc Công.

- Đào Công Chính, quê Hội Am, Cao Minh, đỗ Bảng Nhãn năm Tân Sửu (1661). Làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang.

- Nguyễn Văn Bích, quê Vĩnh Lại, đỗ Bảng nhãn năm Kỷ Hợi (1659), làm quan đến chức Tả thị lang Bộ Lễ.

- Lưu Thư Ngạn, quê Vĩnh Lại, đỗ Thám hoa năm Canh Tuất (1490), làm quan đến chức Hàn Lâm Viện Thị Chế.

- Nguyễn Văn Thái, quê Vĩnh Lại, đỗ Thám hoa năm Nhâm Tuất (1502), làm quan đến chức Thượng thư , tước Hầu.

Trong số 9 vị đại khoa của Hải Phòng trong suốt 3 thế kỷ Lê, Trịnh và Nguyễn có 5 người Vĩnh Bảo như ông:

- Nguyễn Sư Khanh, quê Đông Quất, Tam Đa, đỗ tiến sĩ năm Nhâm Thìn (1592)
- Đào Công Chính, quê Hội Am, Cao Minh, đỗ bảng nhãn năm Tân Sửu (1661)
- Trần Lương Bật, quê Cổ Am, đỗ tiến sĩ năm Giáp Thìn (1664)
- Trần Công Hân, quê Cổ Am, đỗ tiến sĩ năm Quý Sửu (1733)
- Lê Huy Thái, quê Cổ Am, đỗ phó bảng năm Mậu Thân (1848)

Nếu coi các nhà khoa bảng là biểu hiện cao nhất của thành tựu giáo dục và khoa cử thì Vĩnh Bảo là trung tâm giáo dục và khoa cử số một của Hải Phòng. Truyền thống đó vẫn được duy trì qua các thế kỷ tiếp theo và phát huy đến thế hệ ngày nay, riêng xã Cổ Am, trong thời kỳ phong kiến, có tới 125 vị đỗ cử nhân, tú tài; xã Cao Minh ngoài 3 vị đỗ đại khoa, còn rất nhiều vị đỗ trung khoa, nhiều người làm quan trong triều đình, quan đầu tỉnh, đầu huyện, trong đó làng Hội Am là làng có khoa bảng sớm nhất của thành phố Hải Phòng. Xã Cao Minh còn là xã duy nhất của thành phố có đủ cả 3 giáp tiến sĩ. Ở thế kỷ 19, tuy Vĩnh Bảo chỉ có một đại khoa nhưng số người đỗ cử nhân lại rất nhiều, trong đó riêng họ Đào xã Cổ Am có tới 10 cử nhân, có nhà cả 5 anh em đều đỗ tú tài.

Tất cả các vị đỗ đại khoa của Vĩnh Bảo sau khi thi đỗ đều tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, nhiều người làm nên sự nghiệp lớn, trở thành danh nhân, những nhà chính trị, nhà văn hóa, góp phần xây dựng nền văn hiến vẻ vang lâu đời của dân tộc. Chính họ là những tấm gương sáng về đạo học, đạo làm người và là hành trang vô cùng quý giá để các thế hệ người Vĩnh Bảo tiếp tục noi theo. Đến nay Vĩnh Bảo vẫn là một điểm sáng trong sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo của thành phố Hải Phòng. Chỉ tính riêng năm học 2010-2011, toàn huyện đã có 365 học sinh từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi thành phố. Trong thành tích chung ấy có sự đóng góp to lớn của trường trung học phổ thông Vĩnh Bảo. Riêng 6 năm học liên tục vừa qua, trường đã có 13 học sinh đỗ thủ khoa và á khoa trong các kỳ thi tuyển sinh Đại học, điều mà cho tới thời điểm này chưa có một trường trung học phố thông nào của cả nước đạt được. Năm 2011, trường nằm trong tốp 200 trường trung học phổ thông có tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao của cả nước, trong tốp 50 trường trung học phổ thông có tỷ lệ học sinh đỗ Đại học từ 27 điểm trở lên, xếp thứ 19 trong danh sách các trường trung học phổ thông chuyên và trung học phổ thông toàn quốc có học sinh thi Đại học đạt 28 điểm trở lên. Trường trở thành điển hình tiêu biểu để các trường trung học phổ thông toàn thành phố học tập, nhân rộng và là niềm tự hào của người dân Vĩnh Bảo.

Chúng ta tin tưởng rằng, với đường lối đổi mới của Đảng và sự quan tâm của các cấp các ngành với sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo, thế hệ trẻ Vĩnh Bảo phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, tiếp tục vững bước đi lên, xứng danh là là cháu con của Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
 
Sửa lần cuối:
Top