25 năm Sir Alex dẫn dắt M.U: Vượt sóng dữ tạo vinh quang

taodo

Trùm quậy phá VBC
Trong 25 năm dẫn dắt M.U, kỷ nguyên rực rỡ nhất đối với một CLB trong toàn bộ thế giới bóng đá đỉnh cao được mở ra tại Old Trafford, kỷ nguyên gắn liền với huyền thoại Alex Ferguson

Image.aspx

Sir Alex Ferguson



Khi tờ “báo nhà” Manchester Evening News kêu gọi giới hâm mộ M.U gọi điện đến tòa soạn để trưng cầu ý kiến về việc M.U có nên sa thải HLV Alex Ferguson hay không? Kết quả: có đến 83% số người tham gia cho rằng nên sa thải.

Chủ tịch Martin Edwards suy nghĩ thật kỹ trước kết quả ấy. Rồi ông ra một quyết định mang ý nghĩa lịch sử đối với M.U: cho Alex Ferguson thêm một cơ hội nữa. Đấy là sự kiện xảy ra đúng vào ngày 6/11/1989, tức vừa tròn 3 năm từ ngày Ferguson nhậm chức HLV trưởng M.U – ngày 6/11/1986. Không có quyết định kỳ lạ của “ông chủ” Martin Edwards thì huyền thoại Alex Ferguson đã không tồn tại.

VƯỢT QUA ĐIỂM ĐEN SỰ NGHIỆP

Khi Ferguson chính thức nhận chức HLV trưởng vào ngày 6/11/1986, M.U đang đứng thứ… 19 trong bảng xếp hạng giải VĐQG Anh (hồi ấy giải này có 22 đội). M.U vừa thua Southampton đến 1-4 ngay tại sân nhà ở Cúp Liên đoàn. Dưới tay Ferguson, M.U lại thua Oxford 0-2 trong trận đầu tiên của thời kỳ mới và chỉ hòa 0-0 với đội mới thăng hạng Norwich. Nhiệm vụ duy nhất của Ferguson trong giai đoạn ấy chỉ là giúp M.U trụ hạng. Và M.U kết thúc mùa bóng đầu tiên dưới sự dẫn dắt của Ferguson với vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng.

Ở 2 mùa bóng khác trong 4 năm đầu tiên Ferguson dẫn dắt, đội chủ sân Old Trafford cũng chỉ xếp ở vị trí thứ 11 và 13. May cho Ferguson, ở mùa thứ 2, ông đưa được M.U lên ngôi nhì bảng. Không nhen nhóm được chút hy vọng bằng thành tích á quân ấy, ông đã có thể bị đuổi. Và dù tạo được chút hy vọng nhờ thành tích ấy, uy tín của Ferguson cũng lại rớt dần cho đến khi sự nghiệp cầm quân của ông bị đẩy đến sát bờ vực vào cuối năm 1989.

Ferguson1.jpg

Khi ấy, Ferguson từng nói: “Đây là thời điểm tồi tệ nhất trong sự nghiệp bóng đá của tôi”. Bây giờ mà hỏi lại, chắc ông cũng vẫn trả lời như vậy. Vượt qua “điểm đen” cuối năm 1989, Ferguson đem về cho M.U Cúp FA mùa 1989/90. Đấy chính là thành tích cứu vãn toàn bộ sự nghiệp của Ferguson.

Ông lại được tiếp tục cầm quân. Thế là kỷ nguyên rực rỡ nhất đối với một CLB trong toàn bộ thế giới bóng đá đỉnh cao được mở ra tại Old Trafford, kỷ nguyên gắn liền với huyền thoại Alex Ferguson, người đang chuẩn bị kỷ niệm đúng 1/4 thế kỷ dẫn dắt M.U trong tuần lễ này. Trong 25 năm dẫn dắt M.U, Ferguson và các học trò vô địch Premiership 12 lần, đoạt 5 Cúp FA, 4 Cúp Liên đoàn; 10 Siêu Cúp Anh; 2 Champions League, 1 Cúp C2, 1 Siêu Cúp châu Âu, 1 Cúp Liên lục địa, 1 Cúp VĐTG các CLB. Gần 40 danh hiệu như thế đã đáng gọi là cả một lịch sử?

NHẬN DIỆN KẺ THÙ: MA MEN


Ngày xưa, khi chưa có những mức lương lên đến hàng triệu bảng/năm như bây giờ, lòng tự trọng luôn ngự trị trong giới cầm quân, nhất là các HLV tại Anh quốc. Họ thường chủ động từ chức chứ không chờ bị sa thải, càng không mấy ai muốn đòi tiền bồi thường khi bị sa thải. Ferguson không phải là ngoại lệ. Vậy thì cớ sao, ông không từ chức khi đã liên tục thất bại trong những năm đầu dẫn dắt M.U?

Như đã nêu trên, một lần về nhì ở giải VĐQG là đã tạm đủ để Ferguson nghiền ngẫm: M.U không đến nỗi xoàng, nhưng vì sao họ cứ ì ạch giữa bảng xếp hạng, thậm chí từng có lúc đối diện nguy cơ rớt hạng? Hàng tuần, M.U vẫn cứ ra sân. Nhưng Ferguson không dành toàn bộ thời gian để suy nghĩ về đấu pháp riêng cho từng trận đấu, không bị cuốn hút vào những chuyện “vặt vãnh” như phải đá cánh thế nào, tấn công ra sao.

Ferguson2.jpg

Ông giao gần như toàn bộ công việc chuyên môn cho người trợ lý, riêng mình thì lùi ra xa để quan sát M.U một cách tổng thế. Cuối cùng, khi quả quyết với chủ tịch Martin Edwards vào cuối năm 1989 rằng ông chỉ cần thêm một mùa nữa để đem về cho M.U hàng loạt danh hiệu, Ferguson không hề nói bừa. Ông đã chẩn đoán chính xác “căn bệnh M.U” và có ngay phương thuốc trị bệnh hữu hiệu. Ông cũng thấy rõ con đường sẽ đưa M.U đến những thành công trong tương lai sau khi trị được dứt điểm căn bệnh hiện tại. Thế là Ferguson bắt tay vào công việc quan trọng mà ông phải loay hoay đến 3 năm mới nhận định được. Đầu tiên, Ferguson tuyên chiến với nạn rượu chè, tuyên bố sẽ bài trừ nạn ma men tận gốc tại Old Trafford.

“Hội nhậu” ở Old Trafford hồi ấy gồm toàn “cây đa, cây đề”: Paul McGrath, Bryan Robson, Norman Whiteside… Tất cả đều là ngôi sao lớn, trong cả làng bóng Anh chứ không riêng tại M.U. Ferguson thẳng tay trừng trị bất cứ ai vi phạm lệnh cấm uống rượu. Đấy không chỉ là cuộc chiến chống lại những ngôi sao lớn.

Đấy là cuộc chiến chống lại cả “văn hóa uống rượu”, đã tồn tại nhiều năm như một chứng bệnh thâm căn cố đế, làm cho M.U danh tiếng cứ lụn bại mãi dưới sự thống trị của đại địch Liverpool.

Ban đầu, Ferguson đưa về Old Trafford những cầu thủ mới như Viv Anderson, Steve Bruce, Brian McClair để có người thay thế trong trường hợp ông phải thẳng tay trừng trị các trụ cột nát rượu. Chiếc Cúp C2 châu Âu năm 1991 mà M.U giành được ngay sau khi đoạt Cúp FA 1990 giúp Ferguson tự tin theo đuổi thứ kỷ luật sắt mà ông áp dụng (đấy cũng là chiến tích của bóng đá Anh nói chung: lập tức đoạt cúp ngay khi trở lại sau 5 năm bị UEFA cấm cửa trên đấu trường 3 cúp châu u, sau thảm họa Heysel).

Thế rồi, Ferguson tiến hành công việc mang tính dài hơi để đảm bảo thành công lâu dài: cải tổ toàn bộ hệ thống đào tạo trẻ của M.U, bên cạnh việc cứ đưa dần về Old Trafford hết ngôi sao này đến ngôi sao khác. Mark Hughes, Eric Cantona, Peter Schmeichel… ngôi sao nào gia nhập M.U cũng đều trở thành cú áp phe tuyệt vời trong thời kỳ ấy.

Một mặt, Ferguson liên tục thành công trong việc đưa về M.U các ngôi sao mới để thay thế những trụ cột cũ đã hỏng vì rượu. Mặt khác, ông cũng thấy rõ con đường dẫn đến thành công lâu dài là phải lập tức xây dựng cả một lứa trẻ cho M.U. Khoảng chục năm sau khi tiếp quản ghế HLV trưởng, Ferguson nói riêng cũng như M.U nói chung thật sự trở thành tượng đài lớn nhất Premier League, khi cả một dàn sao trẻ gồm Ryan Giggs, David Beckham, Paul Scholes, Nicky Butt, Gary Neville, Phil Neville đồng loạt xuất hiện. Và tượng đài M.U ở Premier League đã tồn tại mãi đến tận ngày nay.

CHUỖI THÀNH TÍCH CỦA ALEX FERGUSON TRONG 25 NĂM DẪN DẮT M.U
- 12 chức VĐ Premier League
- 5 Cúp FA
- 4 Cúp Liên đoàn
- 10 Siêu Cúp Anh
- 2 chức VĐ Champions League
- 1 Cúp C2
- 1 Siêu Cúp châu Âu
- 2 chức VĐ thế giới các CLB
 
Top