Các khu di tích lịch sử, văn hóa huyện Vĩnh Bảo

M.I.N

Về nơi xa tít...
Thành viên BQT
article4753.jpg

Múa rối nước ở Nhân Hòa
Những công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc không chỉ là những di sản quý báu mà còn phản ánh bộ mặt văn hoá đa dạng phong phú của người dân nơi đây. Để hiểu hơn về những di tích này, Vĩnh Bảo xin giới thiệu cùng bạn một số di tích lịch sử văn hoá tiêu biểu

1. Khu di tích lịch sử văn hoá - Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Gồm Quán Trung Tân, Bạch Vân am, đền thờ... Quán Trung Tân do Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng bằng tranh tre, nứa lá gần bến sông Tuyết Giang (tức sông Thái Bình, gần cầu Hàn nối Vĩnh Bảo với Tiên Lãng ngày nay). Quán dành cho dân hai vùng qua lại có chỗ nghỉ ngơi, trong quán có một bia đá khắc bài ký thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng về thời thế của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng trên nền Bạch Vân am, có gắn biển đề ''Mạc Triều Trạng nguyên tể tướng từ''. Năm 1991, đền được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia. Từ nhiều đời nay, không chỉ người dân Vĩnh Bảo mà rất nhiều người dân ở Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định... đã đưa con em mình đến khu di tích này cầu mong được học hành đỗ đạt.

2. Cụm đền chùa Thái Bình: Chùa Thái Bình (xã Trấn Dương) tên chữ là Thái Bình tự, tương truyền được xây dựng thời nhà Mạc do chính Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cắm đất dựng lên. Đền Thái thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng. Đền chùa Thái Bình phản ánh đời sống văn hoá tinh thần của cư dân địa phương gắn liền với quá trình khai phá lập làng của vùng cửa sông được mở ra từ kỷ nguyên độc lập của quốc gia phong kiến Việt Nam thời Lý Trần. Tại đây còn lưu giữ được nhiều di vật tiêu biểu của nền mỹ thuật thời Nguyễn. Không chỉ thế, cụm di tích còn gắn với những giai đoạn oanh liệt của lịch sử đấu tranh cách mạng. Cách Hải Phòng gần 40 km về phía Nam, với vị thế độc đáo, đền chùa Thái Bình là nơi để du khách tìm đến sự tĩnh tại thanh thản, đồng thời thưởng thức thiên nhiên. Ngày giỗ Tổ của chùa tổ chức vào ngày 3 tháng 3 âm lịch, đền mở hội vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm.

3. Đình Nhân Mục: Tại toà tiền đường bài trí những sập thờ, ỷ ngai, những bức y môn, cửa võng,... Tất cả đều nguyên vẹn, lộng lẫy lạ thường. Nổi bật là một số cổ vật quý hiếm như cỗ kiệu bát cống thời Lê, nghê gốm thế kỷ 17, sập gỗ thế kỷ 19, tượng phượng, rùa, ngựa, đèn đỉnh đồng,... Đặc biệt đình còn lưu giữ 31 sắc phong thuộc các triều đại, xa nhất cách nay 381 năm thuộc thời Lê Thần Tông. Bia đá trước hiên ghi rõ ''năm Chính Hoà thứ 15'' - 1694. Dòng chữ không chỉ tô đẹp cho đình mà còn in dấu quá khứ văn hoá và con người của một vùng quê văn hiến.

4. Miếu Cựu Điện: Miếu thờ Kim An, một bộ tướng của Lý Thường Kiệt có công đánh Tống, bình Chiêm. Nếu như trước đình Nhân Mục, chúng ta ngạc nhiên trước sự hoành tráng lộng lẫy của một ngôi đình cổ thì tại miếu Cựu Điện, chúng ta lạc vào chốn thâm cung, một phòng trưng bày cổ vật với số lượng hiện vật đồ sộ. Tất cả lên tới hơn 30 chủng loại với hàng trăm hiện vật cả về đồ đồng, đồ gốm, đồ gỗ, giấy... Đó là những bức hoành phi, cuốn thư, những câu đối hình lòng máng được khảm trai, chạm long cầu kỳ, những bộ ngũ sự gốm men hoa lam, các loại choé, lộc bình đủ loại có nắp, không nắp, vuông tròn, to, nhỏ khác nhau. Tất cả được giữ gìn, bài trí đẹp đẽ tăng thêm vẻ tôn nghiêm của nơi này. Tại miếu có ngọn giả sơn lớn nhất Hải Phòng, có cổ thụ, suối, khe, có thiền am, có đài điếu ngự. Vào những ngày lễ hội mùng 10 tháng 3 và 10 tháng 8 âm lịch, nơi đây vẫn biểu diễn múa rối nước Vĩnh Bảo.
Sưu tầm​
 
G

Guest

Guest
Đình An Quí là di tích kiến trúc nghệ thuật nằm ở xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Người dân nơi đây coi ngôi đình là một tài sản vô giá, là niềm tự hào bởi sự độc đáo hiếm thấy do chính dân làng An Quí xưa xây dựng nên. Năm 1991, đình An Quí được Bộ Văn hoá thông tin công nhận là một di sản văn hoá cấp Nhà nước, có giá trị nghệ thuật cần được bảo tồn và phát huy tác dụng.

Theo dòng chữ Hán khắc nổi trên câu đầu toà tiền đường 'Bảo Đại Tân Tị niên tạo', đình An Quí được xây dựng vào thời Nguyễn năm 1941 đời vua Bảo Đại. Tuy nhiên, đây là một di tích rất nổi tiếng ở Hải Phòng bởi trình độ kiến trúc nghệ thuật đã đạt đến đỉnh cao của sự hoà nhập giữa nghệ thuật điêu khắc gỗ và chạm khắc đá truyền thống.

Đình An Quí là nơi tôn thờ một nhân vật lịch sử vĩ đại của dân tộc ta ở thế kỷ XIII Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, người dân nơi đây đã tôn thờ ông, suy tôn ông làm thành hoàng làng với tư cách là chủ nhân của vùng đất này. Đình An Quí là công trình kiến trúc đồ sộ còn khá nguyên vẹn kể từ ngày khởi dựng đến nay. Đình quay hướng đông nam có bố cục hình chữ công (hay còn gọi là nội công ngoại quốc) gồm 5 gian tiền đường, 3 gian ống muỗng, 3 gian hậu cung. Lối kiến trúc này phản ánh sự thay đổi trong chức năng thờ tự vào thời điểm đình được xây dựng (1941). Đời sống tâm linh đã tác động và chi phối ý tưởng hình thành kiến trúc đình. Điều này đã minh chứng khi thấy ngoài việc thờ Trần Hưng Đạo, thành hoàng làng, trong hậu cung còn có sự xuất hiện của 6 vị hậu thần được thờ tự ở hai toà ống muỗng. Họ được coi là ông tổ của 6 dòng họ đầu tiên khai sáng, lập nghiệp ở vùng đất này.



Toà tiền đường của đình An Quí là nơi tập trung của trí tuệ và tài hoa nghệ thuật của người thợ xưa. Ở đây không chỉ có kiến trúc điêu khắc gỗ mà còn cả chất liệu đá hoà quyện tạo nên một bức tranh nghệ thuật viên mãn. Trên mái toà tiền đường lợp ngói mũi hài nhỏ, có đắp 4 đầu đao cong vút theo mô típ rồng chầu phượng múa bay bổng, cổ kính và tao nhã. Dưới nền, suốt năm gian tiền đường, xà ngưỡng được làm bằng đá xanh liền khối. Mặt ngoài chạm nổi đề tài tứ quí: tùng, cúc, trúc, mai và các con thú như hươu, gà trống, thỏ, ngựa, chim trong các vũ điệu nhảy múa.

Phần kiến trúc gỗ toà tiền đường làm bằng gỗ lim bao gồm các chi tiết như vì xà, cầu đầu, cốn mê, đầu dư, bảy hiên, ván là gió...Đây là những diện tích mà người thợ xưa thường hay sử dụng để thể hiện các đồ án trang trí trên kiến trúc đình làng. Ở các bộ vì toà tiền đường, trên các chi tiết như rường, xà nách, đầu sen, câu đầu đều có chạm nổi hoa lá cách điệu gần như phủ kín. Đáng chú ý nhất của giá trị nghệ thuật điêu khắc là ở các vì cốn mê. Đề tài tứ linh với rồng, phượng được thể hiện theo quan niệm của người xưa như phượng thường múa trên tầng cao, rồng chắc khoẻ ở trung tâm trong tư thế vờn mây. Bên cạnh hình tượng rồng phượng cao quí còn có cả những hình ảnh quen thuộc của làng quê như cau, vịt, chim xen kẽ.

Nâng đỡ toàn bộ mái và khung chịu lực với các vì xà bằng gỗ là hệ thống các cột cái và cột quân được làm hoàn toàn bằng đá xanh liền khối. Cột quân bằng đá đình An Quí có điêu khắc nổi trong các ô có đường viền. Đỉnh cột tạo đấu vuông chạm nổi cánh sen. Trong khung tròn ở đầu và chân cột chạm nổi các đề tài tứ quí như tùng, cúc, trúc, mai, trúc điểu, có cột chạm đề tài tứ linh như phượng hàm thư, rùa, sông thuỷ ba. Rồng cuốn thuỷ và khắc nổi thờ chữ Hán phác thảo. Các cột cái bằng đá có hình trụ tròn ở gian trung tâm gồm 4 cột. Trên thân cột trang trí chạm nổi đề tài tứ linh giống hệt nhau, phía trên là đề án mây cụm khắc 'Phượng hàm thư'. Một thân rồng lớn lượn từ trên xuống cuốn quanh thân cột trong tư thế cuốn thuỷ, cột nước lớn dâng lên từ lớp sóng thuỷ ba nhấp nhô dưới chân cột. Bám theo cột nước là hình cá chép hoá rồng, long mã, rùa mang ống quyển. Trang trí trên cột cái vừa thể hiện đề tài tứ linh vừa như khắc lại quan điểm âm dương để cầu mong sự trường tồn vĩnh cửa cho công trình.

Không giống như những ngôi đình khác ở Hải Phòng, đình An Quý xã Cộng Hiền huyện Vĩnh Bảo là một công trình kiến trúc nghệ thuật đồ sộ nhưng lại mới được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XX. Mặc dù vậy, đây vẫn là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo bởi qui mô nghệ thuật trang trí và kỹ thuật xây dựng, đặc biệt là có hệ thống cột bằng đá. Thực sự là công trình rất đặc sắc, đình An Quí như một đoá hoa tươi thắm trong lịch sử mỹ thuật cổ đại Việt Nam hiện nay đang được bảo tồn ở thành phố Hải Phòng.
 

thuthuy

New member
hì, hồi học phổ thông ngày nào tớ cũng đi học qua vậy mà giờ mới biết sự ra đời và nét hoa văn độc đáo mà người xưa tạo dựng của đình An Quý, thanks Boy8xkr!
 
G

Guest

Guest
hj hj, tớ tìm mấy cái nữa của Cộng Hiền mình mà khó quá...hjx hjx
 
Top