Cát Bà (Hải Phòng): 6 giải pháp khắc phục vấn đề ô nhiễm

Việc phát triển kinh tế gắn với phát triển bền vững đang được đặt ra hết sức cấp bách đối với Cát Bà, bởi nguy cơ ô nhiễm môi trường ở đây là rất cao, thậm chí đã xảy ra tình trạng ô nhiễm cục bộ. Vậy liệu pháp nào có thể "chữa" trúng được tình trạng ô nhiễm ở đây?


Cát Bà, hòn đảo lớn nhất trong số gần 400 hòn đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo Cát Bà. Nó được ví là "đảo Ngọc", không phải chỉ với ý nghĩa xinh đẹp, mà còn bởi tính đa dạng của các hệ động, thực vật trên rừng, dưới biển ở đây. Tuy nhiên, cũng vì là món quà quý được thiên nhiên ban tặng như vậy, nên Cát Bà trở thành trọng điểm du lịch của Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung.

Việc phát triển kinh tế gắn với phát triển bền vững đang được đặt ra hết sức cấp bách đối với Cát Bà, bởi nguy cơ ô nhiễm môi trường ở đây là rất cao, thậm chí đã xảy ra tình trạng ô nhiễm cục bộ. Vậy liệu pháp nào có thể "chữa" trúng được tình trạng ô nhiễm ở đây?

Ô nhiễm tại Cát Bà đang ở ngưỡng nào?

Một nhóm chuyên gia của Viện Tài nguyên và Môi trường biển, trong quá trình khảo sát, nghiên cứu đã cho hay, một số khu vực trên đảo như: Chợ Cát Bà, cảng cá Cát Bà đã có dấu hiệu ô nhiễm không khí cục bộ khi bụi lơ lửng tăng 11,3 lần vào mùa hè, do sự gia tăng các phương tiện giao thông trên đảo.

Đáng chú ý, một số khu vực khác ven đảo Cát Bà, thuộc vùng đệm và vùng chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển thế giới, như: Vạn Bội, Hang Cả, Bến Bèo hiện đã bị ô nhiễm dầu mỡ. Trầm tích bãi triều Phù Long cũng đã bị ô nhiễm Cu, Hg, 4,4'DDD và có nguy cơ ô nhiễm cả Zn và Dieldrin.

Theo dự báo của cơ quan chức năng ở Cát Bà, đến năm 2010, dân số toàn đảo sẽ vào khoảng hơn 15 vạn, kéo theo đó sẽ làm tăng lượng rác và nước thải, gây ô nhiễm lên 1,2 lần.

Đến năm 2020, dân số toàn đảo đạt khoảng hơn 20,4 vạn người, làm tăng lượng rác và nước thải, gây ô nhiễm lên 1,6 lần. Hoạt động du lịch với lượng khách dự báo lên tới 1,9 triệu lượt, cũng sẽ làm tăng lượng chất thải từ khách du lịch gấp 6 lần so với hiện nay. Tương tự, lượng chất thải rắn phát sinh trên đảo khoảng 19.600m3.

Dự kiến, đến năm 2010, lượng chất thải rắn tăng 1,18 lần và đến năm 2020 tăng 2,51 lần. Hiện, bãi rác Đồng Trong đã quá tải. Trông vào khu xử lý rác tổng hợp Áng Chà Chà được xây dựng năm nay, thì với lượng rác thải được dự báo như vậy, cũng sẽ quá tải vào năm 2020.

Chưa kể, chỉ riêng về sức chứa du lịch, theo tính toán, Cát Bà có thể tiếp nhận khoảng 1,6 triệu khách/năm. Tuy nhiên, chỉ với hơn 900.000 lượt khách từ đầu năm đến nay, Cát Bà cũng đã có dấu hiệu quá tải, bởi mật độ khách tập trung cao vào mùa du lịch.

Tóm lại, để phát triển bền vững ở quần đảo xinh đẹp này, theo các nhà khoa học, vấn đề bức thiết và cốt lõi hiện nay, là phải khảo sát, đánh giá được khả năng tiếp nhận chất thải của đảo Cát Bà cũng như khả năng tự làm sạch của vùng biển nơi đây, từ đó tìm ra những giải pháp tối ưu để khắc phục ô nhiễm.

Nhóm "thuốc" nào trị trúng ô nhiễm ở Cát Bà?

Như đã nói ở trên, ô nhiễm ở đảo Cát Bà thực sự không còn là vấn đề nhỏ để đủng đỉnh chờ ngày một, ngày hai mới khắc phục, mà là vấn đề bức thiết, cần sớm chung tay "vào cuộc" để giải quyết. Theo nhóm các chuyên gia về môi trường ở Viện Tài nguyên và Môi trường (Viện KH&CN Việt Nam) thì các giải pháp cấp thiết, cần tập trung vào 6 vấn đề cụ thể, đó là: Quy hoạch, công nghệ, chính sách, tổ chức quản lý, đầu tư và tuyên truyền.

Đối với vấn đề quy hoạch: Vùng phát triển thủy sản, phát triển đô thị cần được các cơ quan hữu trách thực hiện đảm bảo hợp lý, phù hợp với sức tải môi trường của từng khu vực. Đặc biệt, không nên phát triển đô thị trong thị trấn Cát Bà vì vụng Cát Bà đã quá tải. Đồng thời, cũng không nên phát triển nuôi trồng thuỷ sản trong vụng Cát Bà và khu Bến Bèo, mà nên tập trung vào các thủy vực thuộc Lan Hạ, Cạp Gù…

Cùng với đó, cần đầu tư thích đáng cho KHCN trong xây dựng nhà máy xử lý nước và rác thải. Thực hiện quan trắc chất lượng môi trường thường xuyên, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường, kinh tế - xã hội cho toàn đảo. Xây dựng phương án ứng cứu sự cố tràn dầu và hoá chất.

Về thể chế chính sách, cần xây dựng và hoàn thiện các quy chế bảo vệ môi trường riêng cho đảo Cát Bà, nhất là Khu dự trữ sinh quyển. Xây dựng các quy định về việc áp dụng công nghệ xử lý nước thải, giám sát các nguồn thải.

Xây dựng cảng biển phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, khuyến khích mọi người cùng tham gia bảo vệ môi trường. Trong nhóm giải pháp về tổ chức và quản lý, cần đào tạo cán bộ chuyên trách về môi trường. Tăng cường vai trò các cơ quan, tổ chức bảo vệ môi trường. Thực hiện quản lý và giám sát việc nuôi trồng thuỷ sản chứ không để bung ra tự phát như hiện nay.

Ngoài ra, cần thiết đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững
 
Top