Cụ già hiếu học trên quê hương Trạng Trình

Rockchik

New member
14 năm tham gia công tác hội người cao tuổi ở khu dân cư làng Tiền Am, xã Lý Học cũng là ngần ấy năm cụ Đỗ Tiến Hợp tự học chữ Hán. Lý do khiến cụ Hợp có sở thích này rất tự nhiên. Cụ Hợp luôn băn khoăn: sống trên quê hương Danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm-quê hương có truyền thống hiếu học mà lại không đọc được các văn bia Hán Nôm về Trạng Trình thì thật khiếm khuyết. Vậy nên dù đã hơn 70 tuổi nhưng vượt qua những rào cản về tuổi tác và sức khoẻ, cụ vẫn ngày ngày tìm đến những nơi có văn bia, chuông khánh để sao chép, phiên dịch. Là hội viên chi hội khoa học lịch sử của huyện Vĩnh Bảo, lại tham gia công tác Hội người cao tuổi nên cụ Hợp càng có điều kiện gần gũi những bậc cao niên trường thọ, những bậc túc nho của quê hương để học hỏi cũng như phát huy khả năng của mình.
Đến nay, cụ Hợp đã có trong tay trên 20 hồ sơ về văn bia, chuông, khánh chữ Hán ở các đền chùa trong huyện, kể cả một số đền chùa, từ đường ở Thái Thuỵ-Thái Bình. Riêng những văn bia ở các làng của xã Lý Học đã được cụ ghi chép khá cẩn trọng, chu tiết. Chỉ đơn cử như nhiều người vẫn cho rằng đất Trung Am, xã Lý Học có nguồn gốc từ đất Cổ Am. Nhưng qua văn bia mà cụ Hợp sưu tầm ở chùa Song Mai ghi trên cây thiên đài “Hải Dương chấn thuộc Vĩnh Lại Trung Hương, Song Mai cổ trang” thì có nghĩa là “Chùa Song Mai ở Cổ Trang làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại Trấn Hải Dương” năm 1700 (năm trùng tu chùa Song Mai).
Cụ Hợp cũng là người có trí nhớ thông tuệ. Tất cả những câu đối đại tự, văn bia từ Quán Trung Tân về đến khu di tích lịch sử Đền Trạng Trình, cụ Hợp đều thuộc như văn sách khiến ai nấy đều hết sức khâm phục.
Ngoài 70 mùa xuân, cụ Đỗ Tiến Hợp - một bậc bần nho, chân chất, giản dị, sáng sớm hôm nào cũng đi bách bộ hơn 2 cây số đến khu di tích lịch sử rồi trở về với cuộc sống đời thường tiếp tục học tập, dịch thuật các văn bia từ đường, nhà thờ, dòng họ, các sắc phong mà bà con cô bác có nhu cầu nhờ giúp. Cụ Hợp thấy rất vui vì có thể phát huy sở trường của mình, cũng là góp phần tiếp tục giáo dục truyền thống tốt đẹp của quê hương./.
 

M.I.N

Về nơi xa tít...
Thành viên BQT
Thật khâm phục cụ, có thể giới trẻ bây giờ cần phải học hỏi cụ nhiều. Giá có ai gần nhà cụ, đưa được hình ảnh của cụ lên thì hay biết mấy.
 
Top