Chiếu chèo lại trải sân đình

tuanhungvr

VIET NAM REGISTER
Vĩnh Bảo vốn là cái nôi của vùng văn hóa cổ Hải Phòng. Nơi đây cùng với hệ thống những công trình di tích cổ, còn là quê hương của những làng nghề truyền thống được ghi nhận trong lịch sử, nghệ thuật múa rối nước và hát chèo.

Trong kháng chiến chống Mỹ và sau giải phóng, nơi sân đình của 29 xã trong huyện hầu như liên tục sáng đèn, sân khấu dàn dựng và những tích chèo, những vở mới tự biên phục vụ sản xuất và chiến đấu thu hút hàng nghìn người xem mỗi đêm diễn. Mỗi đội có tới 30 diễn viên, sân khấu nhạc cụ, có người biên kịch, đạo diễn. Dù là nghiệp dư nhưng tích chèo ngày ấy luôn lưu đọng trong tâm hồn những người con quê hương.

Khi kinh tế thị trường tác động mạnh vào vùng quê yên tĩnh này, lớp thanh niên rong ruổi khắp nơi làm kinh tế. Sự sôi động của những đêm diễn trước kia thưa vắng dần và tiếng ca tắt hẳn. Gần như các xã “trắng” đội chèo, chỉ còn là nhóm người vì quá yêu bộ môn nghệ thuật chèo tự họp nhau lại, thỉnh thoảng tổ chức biểu diễn với các tiết mục ca nhạc do địa phương tổ chức nhân mỗi dịp kỷ niệm.


images698839_anh_chieu_cheo.jpg

Liên hoan tiếng hát chèo các làng văn hóa xã Dũng Tiến (Vĩnh Bảo)​

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 8) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Huyện ủy, UBND huyện và các địa phương tìm nhân lực, gọi những tài năng chèo trở lại, tìm vốn, giao lưu học hỏi… Hàng trăm sáng kiến khôi phục làng chèo được thực hiện tại 30 xã và thị trấn. Hiện, ở Vĩnh Bảo có các đội văn nghệ xã và thị trấn, trong đó có 18 đội chèo độc lập của 17 xã và Nhà văn hóa huyện. Trong 3 năm trở lại đây, mỗi kỳ lễ hội, ngày lễ lớn, tại các nhà văn hóa xã, tiếng hát chèo lại ngân vang.

Các đội chèo tiêu biểu như Dũng Tiến, Thanh Lương, Vĩnh An từng tham gia các hội diễn thành phố và đoạt Huy chương vàng. Đội chèo của Nhà văn hóa lại tiếp tục những buổi biểu diễn xa trên vùng đất chèo Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình với hàng chục chương trình đặc sắc… Em Thanh Hiền, diễn viên đội chèo Nhà văn hóa kể “Khi diễn ở Bắc Giang, nghe công chúng vỗ tay rào rào, em xúc động quá”. Dự một đêm diễn tại xã Vĩnh Long, hàng trăm người đến chật sân đình làng Hà Hương. Ông Nguyễn Đức Chính, cán bộ quản lý khu di tích nói “Chương trình của chúng tôi có thể diễn trọn sáu đêm liền và người xem cũng sẽ đông như thế này”.

Là những đội chèo không chuyên, còn nhiều điểm “nghiệp dư” trong tổ chức biểu diễn của lãnh đạo, diễn viên nhưng chính nhờ sân khấu chèo, mà những chủ trương phục vụ chính trị, lễ hội… được “sân khấu hóa” đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng. Đó là thành công lớn nhất mà lãnh đạo địa phương đạt được khi quyết định khôi phục những đội chèo tuyến xã.

Bí thư Đảng uỷ xã Dũng Tiến (Vĩnh Bảo) Phạm Thế Lan cho biết: Sự phục hưng và thành công có được, mới chỉ là bước đầu. Còn đó, những bất cập, trăn trở của người làm công tác quản lý văn hóa và cán bộ nơi đây. Đó là nhân lực, lớp người già rồi sẽ qua đi, lớp thanh niên không mấy thiết tha với phong trào và chạy đua với dòng nhạc mới. Ngân sách cấp xã eo hẹp, chỉ đủ cấp liên hoan cho diễn viên sau mỗi lần tổ chức. Không có kinh phí cho kịch bản, đạo cụ tự mua sắm.

Người quản lý các đội chèo, diễn viên đang sống bằng lòng yêu nghệ thuật và cái tâm cống hiến. “Có thực mới vực được đạo” nhưng thật khó làm với mỗi đội chèo ngoại thành. Đây cũng là bài toán về cơ chế duy trì phát triển vốn văn hóa truyền thống ở cơ sở, đặt ra cho các cấp quản lý thành phố và địa phương với phong trào chung của Hải Phòng. Và là niềm mong đợi của các đội chèo cơ sở.
 
Sửa lần cuối:
Top