Du Lịch Xã Cao Minh_ VB

Nho_QueHuong

New member
Ngày 9-1-2012, tức ngày 16-12 năm Tân Mão, con cháu họ tộc Phạm Đức ở thôn Hội Am, xã Cao Minh (huyện Vĩnh Bảo) sum họp, vui mừng đón nhận Bằng di tích Lịch sử Văn hóa cấp thành phố. Đây cũng là ngày giỗ tổ của dòng họ này hàng trăm năm nay.


images741907_DSC01306.jpg

Quang cảnh Từ đường họ Phạm Đức ở thôn Hội Am, xã Cao Minh (huyện Vĩnh Bảo)

Từ con đường trục chính của xã Cao Minh rẽ vào đường thôn Hội Am khoảng 100 m, du khách thấy rõ từ đường dòng họ Phạm Đức, một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Cổng nhỏ xây kiểu nhất môn, hai tầng tám mái, góc mái đao cong theo kiểu Khuê Văn Các của Quốc Tử Giám (Hà Nội). Nhà từ đường làm bằng gỗ lim được lắp dựng theo thức truyền thống. Trưởng tộc Phạm Quang Vũ cho biết: “Để tưởng nhớ công ơn đức độ của Tiến sĩ Phạm Đức Khản đối với dân làng, đình làng Hội Am có bài vị thờ. Vào ngày 16-12 âm lịch hằng năm, con cháu nội tộc họ Phạm Đức khắp mọi miền Tổ quốc tổ chức họp mặt tế lễ tưởng nhớ ơn đức của ông”.
Tiến sĩ Phạm Đức Khản quê ở làng Cối, phủ Hạ Hồng (tỉnh Hải Dương), nay là thôn Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông nghiệp thời Hậu Lê. Theo bia đá năm 1448 tại Quốc Tử Giám, văn tế tại đình Hội Am và gia phả dòng họ Phạm, Phạm Đức Khản ứng thi năm Mậu Thìn (1448), khoa thi Hội thứ 2 do nhà Lê tổ chức và đỗ Tiến sĩ đệ nhị giáp, được giữ các chức: Hàn lâm đãi chế, Tả thị Lang kiêm đề lĩnh tứ thành. Vì vậy ông được coi là vị tiến sĩ đầu tiên của đất Cảng (tiến sĩ khai khoa). Do đức độ và lòng trung quân, ái quốc, ông được Thái hậu đặt tên hiệu là Phạm Trung. Ông làm quan tại triều đến 65 tuổi rồi cáo lão về quê dạy học, hướng dẫn dân làng ươm nuôi cá giống, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt vải. Hàng trăm năm sau, hai nghề này trở thành nghề truyền thống của làng Hội Am, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân nơi đây. Ông tạ thế vào ngày 16-12 âm lịch (chưa rõ năm mất). Gần 600 năm nay, phần lăng mộ của ông được tôn tạo nhiều lần, lần gần đây nhất là năm 2002.
Cũng theo ông Vũ, ngôi nhà gỗ lim phiến cánh xẻ tôn tạo từ năm 1914, xây dựng theo kiểu “chéo đạo tầu góc”, được tu tạo nhiều lần nhưng đại tu vào các năm 1959, 1990 và 2010. Nơi đây còn lưu lại một số hiện vật quý từ thế kỷ 18, 19 như: cuốn thư kiểu trái đào, các đồ thờ tự, bộ ngũ sự bằng đồng, đôi bình sứ… được làm thủ công, chạm trổ tinh xảo.
Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp và Mỹ, từ đường họ Phạm là nơi thành lập Đội nhi đồng cứu quốc thôn Hội Am- tiền thân của lực lượng vũ trang địa phương, là trụ sở HTX nông nghiệp đầu tiên của cả nước và từng là nơi làm việc của Sở Địa chính Hải Phòng (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng) thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Năm 2010, cùng với sự phát triển chung của địa phương, Từ đường họ Phạm Đức được trùng tu với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn công đức của một số doanh nghiệp và cá nhân hảo tâm. Đây là nơi thờ tự của dòng họ ghi nhận công đức của nhà khoa bảng vì dân, vì nước, có học vấn uyên thâm, góp phần làm rạng danh làng Hội Am văn hiến. Đây cũng là một trong những từ đường to, đẹp nhất trên địa bàn thành phố hiện nay, là địa chỉ du lịch đồng quê và giáo dục truyền thống hiếu học, truyền thống cách mạng cho con cháu muôn đời.
 

Đính kèm

  • anh%20tho%20ho%20pham.jpg
    anh%20tho%20ho%20pham.jpg
    20.6 KB · Lượt xem: 12
Sửa lần cuối:

hanhvbhp

New member
Ui minh là con cháu họ Phạm Đức nè...không bik đến năm bao nhiu tuổi mình mới có bằng tiến sĩ như cụ tổ nhỉ???
 
Top