GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN - Ông Phàn - xã Nhân Hòa, huyện Vĩnh Bảo

taodo

Trùm quậy phá VBC
SDC10094.JPG

Ảnh: Ông Phàn - xã Nhân Hòa, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng

Không quản thời tiết nắng lửa, mưa dầm; chẳng ngại tuổi cao sức yếu, với chiếc xe đạp đã phai màu sơn, ngày ngày ông vẫn đi đi về về để làm công việc mà ông cho là niềm đam mê để rồi kiên trì theo đuổi mấy chục năm nay, đó là làm cộng tác viên cho Đài Phát thanh huyện cũng như cho các tờ báo trung ương, địa phương khác. Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, người mà chúng tôi muốn nhắc đến ở đây là cộng tác viên Đỗ Phàn - Hội người cao tuổi xã Nhân Hoà.

Người dân làng Cựu Điện, xã Nhân Hoà-nơi ông sinh sống-vẫn quen gọi Đỗ Phàn là “Ông giáo làng” vì gần như suốt quá trình công tác, ông đều giữ những chức vụ trong ngành giáo dục. Từ năm 18 tuổi, ông tham gia Ban bình dân học vụ của xã rồi ra giảng dạy tại trường cấp 2 - cấp 3 Tiên Lãng, tiếp đó trở thành cán bộ chuyên môn phòng giáo dục huyện Tiên Lãng. Năm 1971, ông trở về quê hương công tác tại các trường cấp 2 Vinh Quang, Nhân Hoà, sau đó trở thành phó hiệu trưởng rồi hiệu trưởng trường Bổ túc cán bộ huyện. Đến năm 1989 thì về hưu và tiếp tục tham gia công tác hội, đoàn thể địa phương. Hiện ông đang là Phó chủ tịch Hội cựu giáo chức, Hội người cao tuổi xã, hội viên Hội khoa học lịch sử Việt Nam. Ở cương vị nào ông cũng cố gắng làm việc và cống hiến hết mình. Song mặc dù bận bịu, ông vẫn không từ bỏ niềm đam mê viết báo.

Ngay từ năm 1979 ông đã làm cộng tác viên cho Đài phát thanh huyện. Ban đầu chỉ là những bản tin ngắn về tình hình sản xuất nông nghiệp, những hoạt động của chính quyền, đoàn thể tại địa phương, rồi đến các bài viết về địa danh nổi tiếng quê ông cũng như ở những xã bạn. Viết quen tay, được sự động viên của những người có chuyên môn trong huyện và lãnh đạo địa phương, ông bắt đầu gửi tin, bài cộng tác với các báo, tạp chí khác như Tiếng nói Việt Nam, Cựu chiến binh Việt Nam, Người cao tuổi, Báo Hải Phòng, Tạp chí thông tin văn hoá cơ sở, đài truyền thanh xã... Dù là tin ngắn hay bài viết dày dặn, ông đều gửi vào đó tất cả tình yêu và trách nhiệm với nghề, phản ánh trung thực, đúng trúng và kịp thời. Và để có một tác phẩm ưng ý, có khi ông quên cả thời gian để hoàn thành tác phẩm. Ông chia sẻ: “Làm công tác báo chí, văn học là rất căng thẳng, suy nghĩ, trăn trở. Nhưng đến lúc viết thì lại viết một mạch, có khi 2, 3 giờ đêm “bật” dậy để viết. Ví dụ như khi tôi viết kịch bản lễ hội chùa Cựu Điện đúng đến sáng”.

Chỉ qua những tác phẩm của ông, chỉ qua việc dù đã qua cái tuổi thất thập nhưng đều đặn mỗi tuần mấy lượt đạp xe 7-8 cây số cả đi và về để lên đài gửi tin, bài, người ta cũng có thể cảm nhận được sự nhiệt thành, sôi nổi của một trái tim con người. Và như lời ông tâm sự thì đó chính là việc thực hiện tâm nguyện “cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương”, cũng là sống và học tập theo lời Bác Hồ dạy. Ông bộc bạch: “12 năm tham gia công tác vận động, trùng tu xây dựng chùa Cựu Điện, 15 năm làm thường vụ rồi phó chủ tịch Hội người cao tuổi xã, đến bây giờ đã 44 năm tuổi Đảng, nhưng tôi chỉ có một mong ước lớn nhất đó là học tập theo Bác làm sao cống hiến hết sức mình cho đến giờ phút chót”.

Viết báo chính là công việc ông lựa chọn để thực hiện tâm nguyện của mình. Và trong sự lựa chọn ấy, Bác Hồ-người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam cùng tư tưởng của Người đã trở thành kim chỉ nam cho những tác phẩm của ông-những tác phẩm biết khơi dậy, biểu dương cái tốt, người tốt, việc tốt, ngăn chặn và đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực...

Với ông thì còn gì vui hơn, sung sướng hơn khi được nghe, được thấy những bài viết về một nét đẹp quê mình, một người tốt với những việc làm tốt ở quê mình được phát trên đài, được đăng trên báo và mọi người trên đất nước đều có thể đọc được, nghe được. Cũng chính vì lẽ đó mà ông rất nhớ những bài viết về đất và người quê mình được đăng. Đó là bài viết về ngôi chùa Phúc Lâm-niềm tự hào của người dân Nhân Hoà đăng trên báo Người cao tuổi; bài về Đài Phát thanh Vĩnh Bảo đăng trên báo Tiếng nói Việt Nam; và nhiều bài viết khác trên báo Hải Phòng, trên sóng đài phát thanh huyện. Những lúc như thế, ông càng thấy yêu mến và tự hào về mảnh đất mình sinh ra-quê hương danh nhân văn hoá Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Và ông lại nhớ đến lời Bác dạy, lấy đó là cơ sở củng cố niềm tin để ông tiếp tục công việc nhân rộng điển hình tiên tiến trên phương tiện thông tin đại chúng. “Điều mà tôi tâm huyết nhất khi viết báo là biểu dương được tấm gương người tốt việc tốt như lời Bác Hồ nói “mỗi một người tốt việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”, trong cuộc đời thì không ai tròn trĩnh cả, nhưng có những người chỉ tốt 70% đã là quí rồi. Và khi được biểu dương thì người ta sẽ tốt hơn lên” - ông chia sẻ.

Giờ đây, khi cuộc sống đã bớt lo toan thường nhật, khi các con các cháu đều ngoan ngoãn trưởng thành, khi đã có thể thấu suốt nhân tình thế thái, đã có thể cho phép mình nghỉ ngơi nhưng ông Đỗ Phàn vẫn lấy niềm vui tuổi già của mình là tham gia công tác xã hội địa phương, là động viên con cháu phấn đấu thành đạt và đặc biệt là tiếp tục làm cộng tác viên cho các đài, báo trung ương, địa phương cũng như truyền sự nhiệt tâm nhiệt tình của mình cho các thế hệ mai sau, như những lời gan ruột mà ông muốn nhắn nhủ đến người cao tuổi huyện nhà: “Các cụ là những cây cao bóng cả, các cụ còn tâm còn sức thì cống hiến cho quê hương, cho đất nước, cho gia đình, thực sự là chỗ dựa vững chắc cho con cháu, biết cái gì thì nên truyền lại cho thế hệ mai sau, làm sao giữ được cốt cách, truyền thống của dân tộc Việt Nam mình”
 
Top