Khu di tích trạng trình nguyễn bỉnh khiêm

yooleegirl

Trưởng nhóm HĐH Sài Gòn

Bất kì ai khi đến với mảnh đất Vĩnh Bảo mà không một lần về thăm đền Trạng, thắp nén nhang tưởng nhớ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì quả là một thiếu sót to lớn. Khu di tích Trạng Trình thuộc thôn Trung Am, xã Lí Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng – một vùng đất hiếu học.
Nhớ thời đạp xe tới trường tôi cũng từng nhiều lần cùng bạn bè vượt hơn 10km xuống thăm đền Trạng với lòng sùng kính một bậc tài danh. Nguyễn Bỉnh Khiêm, người mà khi ra đời, theo giai thoại, quan chiêm bốc chuyên theo dõi thiên tuợng của triều đình Bắc phương đã dâng biểu tấu: “Có ngôi sao lạ xuất hiện ở phương Nam, ứng với một chân nhân đã ra đời.” Sau này, Nguyễn Bỉnh Khiêm được phong tước Trình Tuyền Hầu, Chu Sán, danh sĩ đời nhà Minh nhận xét: “An Nam lí học hữu Trình Tuyền” (Nứơc Nam có Trình Tuyền thông hiểu lí số). Có lẽ vì vậy mà Trung Am, nơi có đền Trạng bây giờ lại mang tên là Lí Học.
Thôi thôi mặc lũ thằng hề
Gió mây ta lại tìm về gió mây.​
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phải thốt lên như thế, ông bất lực trước thế sự, chán ngán triều đình nhà Mạc suy đồi mọt ruỗng. Ông về quê ở ẩn, xây quán Trung Tân ở bến Trung Lệ bên bờ Tuyết Giang, dựng Am Bạch Vân, làm thơ, mở trường dạy học, đọc sách thánh hiền, dựng tháp Bút Kình Thiên để khuyến học …
Khi Nguyễn Bỉnh Khiêm mất, nhân dân đã xây dựng đền thờ người (1585) với ba gian tiền đường, hai gian hậu cung, phía trước có hai hồ nước tượng trưng cho trời và đất, bức hoành phi trong đền ghi 4 chữ “An Nam Lí Học”.
Ngày nay khu di tích Trạng Trình bao gồm: Tháp Bút Kình Thiên, đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp của nguời, phần mộ cụ thân sinh ở phía sau đền, tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng đá cao 5.7m, nặng 8.5tấn, hồ bán nguyệt rộng khoảng 1000m2, chùa Song Mai, nhà tổ có tượng thờ bà Minh Nguyệt (vợ của Nguyễn Bỉnh Khiêm) và quán Trung Tân.
Một người đang có những đóng góp cho việc tôn tạo lại khu di tích đó là kiến trúc sư Phạm Vũ Hội, anh tâm sự:
- Tôi muốn tu tạo lại những di tích Trạng Trình như nó đã từng có theo cảnh sắc của một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, và phải giữ vững “chân long”, với những nguyên tắc về phong thủy. Nên đầu tư một cách tinh tế vào khu Đền Trạng. Thế nhưng người ta đã mở ra một quy hoạch bề rộng, dùng hệ thống giao thông bàn cờ, lại thêm những cột đèn cao áp hình tàu chuối. Nhiều cây cối bị chặt quang làm mất đi vẻ u tịch. Lại còn đào một cái hồ rất lớn, xây bờ kè, lát gạch lá dừa lối đi quanh hồ như một công viên thành phố, theo xu hướng “đô thị hóa” hiện nay. Có lẽ lại phải chờ cho đến khi người ta hiểu ra được rằng phải giữ lấy cái tinh thần đạm bạc mà thanh cao của Tuyết Giang phu tử.
Để chờ đợi sự tôn tạo quy mô hơn, hiện nay khu di tích vẫn là một điểm du lịch văn hóa cảu khu vực. Nơi đây thường tổ chức các lễ hội lớn kỉ niệm danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm như ngaỳ sinh của người (10/4 âm lịch) và ngày mất (28/11 âm lịch), kỉ niệm ngày mất của ông thường được tổ chức long trọng hơn, thu hút khách trong nước và quốc tế về đây thắp nhang tưởng niệm người.
Lạc bước trong ráng chiều nơi đất Trạng ngỡ như còn đâu đây người danh sĩ đang ngồi nghiền ngẫm thế cuộc, thiên cơ, quốc vận, viết những bài ngụ hứng, ngâm vịnh …
Phong ổn phàm quy hàn phố nguyệt
Thiên tình long hiện viễn sơn vân …
( Gío lặng buồm xuôi về bến lạnh
Trời mây rồng hiện đỉnh non xa)
_ Trung Tân quán ngụ hứng _
 
Sửa lần cuối:

dvhieu

Member


Phong ổn phàm quy hàn phố nguyệt
Thiên tình long hiện viễn sơn vân …
( Gío lặng buồm xuôi về bến lạnh
Trời mây rồng hiện đỉnh non xa)
_ Trung Tân quán ngụ hứng _
Đây là bài thứ bảy trong chuỗi bài thơ "Trung Tân Quán ngụ hứng" (Cảm hứng lúc ở quán Trung Tân)
Nguyên văn:
Sổ gian giang quán phủ giang tân,
Thủy quốc vi mang lưỡng ngạn phân.
Phong ổn phàm qui hàn phố nguyệt,
Thiên tình long hiện viễn sơn vân.
Ngư thôn trù ảnh tà dương quải,
Dã tự chung thanh bán dạ văn.
Điểm kiểm hành niên du thất thập,
Chỉ duyên suy lão khởi vong quân!
Anh tạm dịch như thế này:
Vài gian quán lá tựa bên bến sông mới
Chia thành hai bên con nước ròng.
Gió lặng, cánh buồm xuôi về bến trăng lạnh,
Trời quang đãng, thấy rồng hiện lên phía núi xa xa.
Chiều tà thấy khói tỏa lên từ xóm chài gần đó,
Tiếng chuông chùa vọng lại giữa đêm khuya.
Tính sơ sơ đời mình đã ngoài bảy mươi tuổi,
Đã về già rồi đấy nhưng đâu phải đã quên mất việc của nhà vua!
 

yooleegirl

Trưởng nhóm HĐH Sài Gòn
thank anh, nói chung là em cũng chưa tìm hiểu nhiều về thơ văn cụ Trạng.
lâu quá không xuống, bây giờ không biết thay đổi thế nào rồi =.=
 
Top