Múa Rồng ở Nhân Hòa -Vĩnh Bảo

Nho_QueHuong

New member
Những ngày đầu xuân, Nhân Hòa (Vĩnh Bảo) mở hội. Cùng với các hoạt động tế, lễ, các trò chơi dân gian..., người dân địa phương luôn háo hức đón xem màn diễn của đội múa rồng. Đôi rồng uốn lượn trước cửa đình khuấy động không khí Tết.

Theo các cụ cao tuổi trong làng, truyền thống múa rồng ở địa phương có từ lâu đời. Thời vua Hùng thứ 18, vị tướng tài Qúy Minh có công giúp vua đánh giặc, bảo vệ quê hương, được vua phong chức Qúy Minh đại vương. Sau khi thắng trận, ông về làng Nhân Mục, hướng dẫn nhân dân địa phương cày cấy, trồng dâu nuôi tằm. Khi ông mất, dân làng thờ ông làm Thành hoàng làng. Tục múa rồng ở Nhân Hòa có từ thời xa xưa là để tôn vinh võ công của Thành hoàng làng, đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân. Sau này, tục múa rồng vào dịp lễ hội được duy trì trên quê hương Nhân Mục. Theo nhân dân địa phương, múa rồng còn thể hiện ước mong cho cuộc sống ấm no, mùa màng tươi tốt.




Màn múa rồng tại Lễ hội Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêmmua%20rong%20vinh%20bao%20tyet.jpg

Tục múa rồng có lúc phát triển mạnh nhưng cũng có lúc mai một. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, người dân địa phương không có điều kiện duy trì múa rồng. Hòa bình trở lại, một số nghệ nhân có tay nghề làm con giống, con rối của địa phương tâm huyết chế tác đôi rồng giúp thanh niên địa phương khôi phục truyền thống múa rồng của quê hương. Những năm gần đây, đội múa rồng của địa phương ngày càng hoạt động chuyên nghiệp hơn.

Tham gia đội múa rồng là những thanh niên khỏe mạnh, có niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống, mong muốn đem tài năng của mình phục vụ phong trào của địa phương. Đội trưởng đội múa rồng xã Nhân Hòa Nguyễn Trọng Thể cho biết: “Đội múa rồng của địa phương không có sự giúp đỡ về kinh tế của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, cũng như chính quyền địa phương. Tuy nhiên, các thành viên trong đội đều sốt sắng với việc luyện tập, trình diễn nghệ thuật múa rồng. Mỗi thành viên trong đội tự nguyện góp kinh phí để làm đôi rồng to, đẹp. Khi mới thành lập, đội tích cực học hỏi kỹ thuật biểu diễn múa rồng truyền thống của các đội bạn ở các tỉnh, thành phố khác. Chịu khó luyện tập, trình độ biểu diễn của đội ngày càng điêu luyện hơn”.

Mỗi khi đội múa rồng ra sân phục vụ, tiếng trống rộn rã, tiếng reo hò, cổ vũ sôi động cả sân đình. Điều đó càng thêm khích lệ, động viên tinh thần các thành viên. “Múa rồng đẹp nhất vào buổi tối vì lúc đó màu sắc cùng các hoa văn, họa tiết phong phú trang trí trên mình rồng lung linh, hòa quyện với ánh sáng đèn, đuốc”, một thành viên trong đội múa rồng Nhân Hòa khẳng định. Bà con háo hức xem những màn trình diễn ấn tượng như rồng lấy nước, rồng bay, rồng phun lửa... thể hiện kỹ thuật điêu luyện, khéo léo của những người múa. Điệu múa rồng càng uyển chuyển, linh động hơn khi kết hợp cùng đội múa tứ linh (long, ly, quy, phượng).

Nhân Hòa là cái nôi của múa rồng ở Hải Phòng, nghệ thuật mùa rồng xuất hiện ở đây từ lâu đời, có nhiều nghệ nhân giỏi chế tác rồng múa. Nhiều hoạt động lễ hội truyền thống của thành phố có sự góp vui của đội múa rồng Nhân Hòa. Nghệ nhân Trần Văn Phước cho biết: “Đội múa rồng Nhân Hòa từng biểu diễn phục vụ nhiều sự kiện quan trọng của thành phố. Ở đâu, đội cũng để lại ấn tượng. Chính vì vậy, đội được nhiều người biết đến. Đây là thuận lợi để đội múa rồng của địa phương ngày càng hoạt động sôi nổi và có thể vươn ra làm dịch vụ như một nghề thời mở cửa...”. Vì vậy, ngày nay, đội múa rồng ở Nhân Hòa không chỉ thân thuộc với bà con địa phương mà còn có tiếng vang xa. Múa rồng giới thiệu đến bà con xa, gần những nét đẹp văn hóa truyền thống, thể hiện tình yêu quê hương, mong ước gìn giữ tập tục truyền thống lâu đời của cha ông, tổ tiên thời xưa...

(Theo báo Hải Phòng)
 
Top