Người phụ nữ nghèo giàu tình yêu thương

M.I.N

Về nơi xa tít...
Thành viên BQT
Đó là điều mà chúng tôi nhận thấy ở chị sau một cuộc trò chuyện tuy ngắn ngủi nhưng thân tình và đầy xúc động. Chị là Nguyễn Thị Chuyên, hội viên phụ nữ chi hội 5 thôn An Quý, xã Cộng Hiền mẹ của em Nguyễn Đức Sang, thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội trong kỳ thi ĐH-CĐ năm 2009.
Chúng tôi tới thăm chị vào một ngày giáp Tết, khi anh vừa mất được 1 tháng. Nỗi hẫng hụt vẫn bao trùm căn nhà nhỏ, hằn trên đôi mắt ngân ngấn lệ của người phụ nữ tảo tần. Vừa bắt đầu câu chuyện với chúng tôi, chị đã không kìm giữ được xúc động khi hình dung lại những thời điểm khó khăn của gia đình mình. Chị sinh ra và lớn lên ở xã Lý Học. Năm 1986 chị về làm dâu trong gia đình anh Nguyễn Văn Sức ở thôn An Quý, xã Cộng Hiền. Lúc đó chị là nhân viên của công ty Thương nghiệp huyện. Anh là thương binh hạng 4/4, được chuyển ngành về công ty Kinh doanh. Năm 1990, cả 2 cơ quan đều giải thể. Chị cùng chồng trở lại quê nhà tiếp tục cuộc sống một nắng hai sương. Vết thương anh Sức mang trong mình thường xuyên tái phát khiến sức khỏe giảm sút, không giúp được gì nhiều cho chị trong công việc gia đình, đồng áng. Một mình chị đảm đương hơn 7 sào ruộng khoán, quanh năm lo thuốc thang chạy chữa bệnh cho chồng, phụng dưỡng bố mẹ chồng già yếu, lại phải lo cho 2 con được ăn học bằng bạn, bằng bè. Đã nhiều năm nay, từ tờ mờ sáng đến 10 giờ khuya là quãng thời gian ít cho phép chị được nghỉ ngơi.
Kinh tế gia đình càng trở nên túng quẫn khi anh bị ung thư, đó là năm 2004. Lúc ấy, cả gia đình chị gần như suy sụp, hoang mang tột độ. Nhưng thương chồng, chị nghĩ một ngày cũng là sốngggg nên quyết tâm vực lại tinh thần cho mình, cho cả gia đình và động viên anh chữa bệnh. Chị nhận cấy thêm ruộng, vay mượn vốn liếng mở cửa hàng xay xát để có thêm thu nhập.
Chị Chuyên có 2 người con trai. Cả 2 cháu đều chăm ngoan, học giỏi. Tự hào về các con nhưng trái tim người mẹ ấy vẫn thổn thức khi nghĩ đến sự thiệt thòi của con vì nhà nghèo. Vì nghèo mà con trai lớn Nguyễn Đình Khiêm phải gác lại ước mơ thi vào ĐHBK Hà Nội để học ĐH Hàng Hải. Vì nghèo nên mỗi tháng chị chỉ lo cho Khiêm được 300.000 đồng để đóng học và mua đồ dùng học tập. Cho đến bây giờ, khi Nguyễn Đình Khiêm đang đi thực tập phải chi tiêu nhiều nhưng chị cũng chỉ dành dụm cho con thêm được 200.000 đồng, còn đâu lại nhờ sự giúp đỡ của cô, bác họ hàng. Và khi nhắc đến Sang thì chị càng thương con vì để theo học được ở trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, từ khi 12 tuổi, Sang đã phải tự đạp xe gần chục cây số đến trường. Sang ham học nên rất thích mua sách tham khảo nhưng chị không có khả năng một lúc có thể cho con đủ tiền mua. Mãi đến khi Sang học lớp 12, với số tiền dành dụm cùng với 5, 6 lần xin tiền mẹ cộng lại, em mới mua được bộ sách tham khảo trị giá 150 nghìn đồng. Thậm chí vì bận làm ăn, vì phải xa nhà để chăm sóc chồng nên chị không lo cho con được đầy đủ những bữa ăn, lại phải nhờ vào sự đùm bọc, giúp đỡ của bà con chòm xóm. Thương con nên chị tạo mọi điều kiện cho các con học tập, không bắt các con phải làm việc vất vả. Vợ chồng chị cũng bảo nhau sống mẫu mực, nêu gương cho các con, thường xuyên gần gũi, động viên các con học tốt. Đó cũng là lý do mà dù kinh tế gia đình khó khăn nhưng khi Khiêm xin phép chị đi dạy thêm để có thu nhập đỡ đần bố mẹ, chị đã kiên quyết từ chối vì sợ ảnh hưởng tới kết quả học tập của con. Rồi tiền thưởng của Sang khi em đỗ thủ khoa ĐH Bách Khoa, chị dành lại tất cả để lo cho em học chứ không trích lại chi tiêu cho mình dù chỉ một nghìn đồng.
Cuộc sống của chị Nguyễn Thị Chuyên là một chuỗi những vất vả lo toan đằng đẵng nhưng chưa khi nào chị kể công hay đòi hỏi bất cứ điều gì ở chồng con. Bởi chị biết những cố gắng của mình không là vô nghĩa. Tình yêu anh dành cho chị, sự hiếu thảo, cố gắng của các con chính là món quà mà chị mong đợi, là phần thưởng bù đắp xứng đáng cho những hy sinh của chị suốt thời gian qua. Với chị đó là hạnh phúc. Và chị cũng mong tất cả chị em phụ nữ huyện nhà đều có được niềm hạnh phúc như chị.
Năm nay, chị Chuyên đón cái Tết đầu tiên khi không còn người chồng mà chị hết mực thuỷ chung, nhưng chúng tôi biết chị không cô đơn. Bởi bên cạnh chị là 2 đứa con ngoan hiền, hiếu thảo, giỏi giang, xung quanh chị là bà con họ hàng luôn quấn túm, mến thương chị. Trái tim người mẹ hiền chắc hẳn sẽ ấm áp hơn.
Khép lại câu chuyện ở vùng quê nghèo hiếu học, chia tay chị Chuyên, chúng tôi mang theo về hình ảnh một người phụ nữ đảm đang, giàu nghị lực với một trái tim đầy yêu thương và một lẽ sống bình dị người với người sống để yêu nhau./.
[FONT=.VnTime] Haiphong.gov.vn[/FONT]​
 
Top