Về Vĩnh Bảo xem, nghề Học,

Nho_QueHuong

New member
Cổ Am là xã thuần nông của huyện Vĩnh Bảo, cách trung tâm Hải Phòng khoảng 40km. Đây là vùng quê có truyền thống hiếu học, tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học hằng năm lại rất cao. Người thì bảo, vì đây là "đất học"! Lại có người giải thích, do đất chật, người đông, phải học và học thật giỏi mới mong vượt ra khỏi luỹ tre làng để thành đạt, giàu có.

So với nhiều làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ, quả thật Cổ Am không có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế. Bởi lẽ, đất đai chật chội, người lại đông. Bình quân đất canh tác trên đầu người chưa đến 1 sào Bắc Bộ. Không những thế, lại đồng chua, nước mặn, năng suất lúa không cao và thường thất bát nếu thời tiết không thuận. Có lẽ vì thế, từ bao đời nay, người dân Cổ Am đã răn dạy con em của mình, muốn thoát đói nghèo, phải cần mẫn học. Và, "nghề học" đã tồn tại trên mảnh đất này từ nhiều thế kỷ nay.

Thỏi vàng không bằng nang chữ

Ông Đào Bá Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Cổ Am cho biết, không chỉ thời bình mà cả khi chiến tranh loạn lạc, sự học ở đây vẫn luôn được coi trọng. Năm 1946, Cổ Am là địa phương đầu tiên của Hải Phòng, được Bác Hồ gửi thư khen về thành tích "diệt giặc dốt".

Cũng theo ông Tuấn, với đặc thù riêng của địa phương, học được xác định là một nghề và nó chính thức được đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ xã từ cách đây hơn 15 năm. Cùng với Nghị quyết đẩy mạnh sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, người dân Cổ Am bất kể già, trẻ, gái, trai đều cùng chung quan niệm, coi sự thành đạt trong học tập còn hơn cả thành đạt trong làm ăn kinh tế và chức vụ quản lý khác.

Ông Trần Văn Hót, một trong số chủ hộ gia đình "giàu có" về sự học, được cả vùng biết đến. Ông quan niệm "thỏi vàng không bằng nang chữ". Vậy nên, dù phải theo con lên thành phố, bươn chải đủ nghề, vợ chồng ông vẫn quyết chí cho các con ăn học đến cùng. 10 năm qua, 3 con ông nhờ có "hậu phương" vững chắc là cha mẹ, đã lần lượt tốt nghiệp các trường: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Giao thông Vận tải, Học viện Ngân hàng. Tương tự, gia đình ông Lực cũng có 3 con đỗ điểm cao vào các trường ĐH có danh tiếng ở Hà Nội.

Chuyện những gia đình ở Cổ Am có từ 2-3 con học đại học, không phải là chuyện hiếm. Thậm chí có hộ gia đình nghèo như gia đình bà En, vẫn nuôi 2 con tốt nghiệp đại học vào loại ưu.

Xuất khẩu" nhân tài

Ngoài nghề trồng lúa, Cổ Am còn có nghề thứ 2, quan trọng không kém, đó là "nghề học". Đất nghèo sinh chí học, từ thế kỷ XV, Cổ Am đã có hàng chục sĩ tử theo học tại Quốc Tử Giám, Chiêu Văn Các, Tứ Lâm Cục. Nhà nho Trần Công Huân là người đầu tiên của Cổ Am đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Quý Sửu (1733), được người đương thời mệnh danh là một trong "ngũ hổ Tràng An".


Ảnh: Học sinh Trường THPT Vĩnh Bảo, nơi có nhiều con em xã Cổ Am theo học

Trước đó, cũng tại miền quê nổi tiếng về sự học này, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã về đây ẩn cư về mở lớp học tại chùa Mét, đào tạo nhiều học trò nổi tiếng như: Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dư, Nguyễn Quyện, Lương Hữu Khánh. Đến thế kỷ XIX, cùng với làng Hành Thiện ở Nam Định, Cổ Am lại cung cấp cho đất nước một thế hệ hiền tài mới, được mệnh danh "tứ kiệt xứ Đông".

Đến nay, theo thống kê của địa phương, cả xã có 71 người có học hàm phó giáo sư, giáo sư, học vị tiến sĩ ; gần 60 thạc sĩ và không dưới 700 cử nhân đang công tác ở trong và ngoài nước. Riêng 10 năm trở lại đây, Cổ Am có gần 400 em đã và đang học tại các trường ĐH, CĐ trong nước. Bình quân mỗi năm, xã lại có thêm khoảng 60 cử nhân, 5 thạc sĩ, 1 tiến sĩ. Một số con em Cổ Am cũng đã đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế.

Có thể nói, hầu hết con em ở Cổ Am học hành đỗ đạt, nay đều thành danh, có mặt ở nhiều lĩnh vực và nhiều địa phương trên cả nước. Không ít người giữ các chức vụ trọng yếu của Đảng, Nhà nước, các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành Khoa học xã hội và nhân văn, đóng góp không nhỏ công sức và trí tuệ cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.

Khuyến học, khuyến tài - đòn xeo thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển

Hội khuyến học, khuyến tài ở Cổ Am được thành lập năm 1993 (sớm hơn 3 năm so với Hội Khuyến học Việt Nam), do thầy giáo làng Đào Trọng Côn, sau này là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội khởi xướng. Theo đó, Quỹ khuyến học, khuyến tài của xã cũng ra đời, với sự tham gia của 93% số hộ gia đình ở địa phương, 22 tổ chức, tập thể và các ban liên lạc hội đồng hương ở trong nước và Việt kiều ở 11 quốc gia.

Có một điều nữa mà ai cũng thấy ngỡ ngàng khi về Cổ Am, đó là phong trào học tập ngoài nhà trường, thông qua việc đọc sách báo ở thư viện. Thư viện xã Cổ Am được xây dựng cách đây 40-50 năm, đến nay vẫn duy trì hoạt động. Người đọc gồm đủ mọi lứa tuổi. Đây cũng chính là chính sách khuyến học, khuyến tài vì sự nghiệp trăm năm trồng người ở đất Cổ Am này

Trong mạch chảy truyền thống "Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện" hôm nay, các thế hệ con em ở Cổ Am vẫn đang viết tiếp nhiều sự tích về "nghề học", về sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, bởi đó là "đòn xeo" thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển

(Theo Công an Nhân dân )
 

yooleegirl

Trưởng nhóm HĐH Sài Gòn
Cổ Am xứng đáng là niềm tự hào, là đại diện tiêu của người dân Vĩnh Bảo, Hải Phòng nói chung và của dân tộc Việt Nam nói riêng.
Mảnh đất giàu truyền thống đã sản sinh biết bao anh hùng hào kiệt. Ngoài danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ta không thể không nhắc đến thủ lĩnh Vương Quốc Chính (?-1898) đời nhà Nguyễn, chủ trương bình tây phục quốc. năm 1879 ông lập Tín nghĩa hội,từng đem nghĩa quân đến tận thành Hà Nội tập kích quân Pháp.
 
Top