Biến di sản văn hóa Trạng Trình thành sản phẩm du lịch độc đáo

Nho_QueHuong

New member
Cập nhật: 10/5/2011 09:07
Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những nhân vật tiêu biểu của lịch sử Việt Nam thế kỷ XVI. Ông không chỉ để lại một sự nghiệp văn chương cho đời sau ngưỡng mộ mà hơn thế nữa là cả một triết lý sống đáng để hậu thế phải suy ngẫm.
Chẳng thế mà trong lời kết bài “Nguyễn Công Đạt phả ký” soạn năm Quý Hợi (năm 1743), Ôn Đình hầu Vũ Khâm Lân đã phải thốt lên: “Ôi! Trong thiên hạ có nhiều vua chúa và người hiền. Những người ấy lúc sống thì vinh, lúc chết thì hết. Nhưng ông (Nguyễn Bỉnh Khiêm) đến nay đã được 7, 8 đời, gần thì sĩ phu, dân thường chiêm ngưỡng như núi Thái Sơn, như sao Bắc Đẩu; xa thì sứ nhà Thanh là Chu Xán nói rằng nhân vật Lĩnh Nam, tinh thông lý học có Trình Tuyền, đã viết vào sách truyền vào Trung Quốc, coi là bậc thánh nhân ở nước Nam vậy”.

Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh ra trong một gia đình có học thức. Ngay từ thuở thiếu thời, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được dạy làm thơ và kinh truyện, rồi sau đó được theo học bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Vậy mà từ khi trưởng thành cho đến khi ra ứng thi vào năm 1535, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bỏ qua đến 9 kỳ đại khoa do triều Lê tổ chức. Một người tài hoa lại được học hành tử tế mà suốt hơn 20 năm lại tỏ ra không quan tâm đến chốn thí trường là một điều lạ.

Lý giải về điều này, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng: Thực ra, sự “thờ ơ” đó chỉ là cái vẻ bề ngoài của một tâm trạng đang giằng xé, một chí hướng đang sôi sục nhưng chưa có dịp thể hiện. Phần lớn cuộc đời ông sống như “ẩn dật” nhưng không lúc nào xa đời, quên ngẫm về sự đời và luôn tìm cách gì đó để giúp đời. Chưa đi thi chẳng qua vì ông không tìm thấy ở chính sự các triều đại đương thời sự tương hợp với chí hướng và sở nguyện của mình mà thôi.

Cũng theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, sự xuất hiện của triều Mạc năm 1527 đã hé ra một niềm hy vọng mới. Xuất thân từ vùng biển, họ Mạc có tầm nhìn cởi mở hơn và trên thực tế đã thi hành một số chính sách kinh tế - xã hội tích cực. Đến thời Mạc Đăng Doanh (1530-1540) can qua tạm lắng, tình hình dần đi vào thế ổn định. Không ưa gì triều Mạc nhưng các sử thần nhà Lê phải nhận xét: “Từ đấy, người buôn bán và kẻ đi đường đều đi tay không, ban đêm không còn trộm cắp, trâu bò thả chăn không phải đem về... Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi được yên”. Có lẽ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tìm thấy ở đường lối cai trị của Mạc Đăng Doanh sự tương hợp nào đấy...

Năm 1534, nhà Minh phái Cừu Loan, Mao Bá Ôn đem quân đến sát biên giới đe doạ. Nguy cơ một cuộc nội chiến có sự can thiệp từ bên ngoài đang xuất hiện. Đúng vào thời điểm đầy sóng gió ấy, Mạc Đăng Doanh mở khoa thi chọn nhân tài. Nguyễn Bỉnh Khiêm, lúc này đã ở tuổi 45, ra ứng thí chắc không phải là chuyện ngẫu nhiên. Ông đỗ Trạng nguyên khoa Ất Mùi, năm 1535. Có nghĩa là Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ tham dự vào chính trường khi cảm thấy thời cuộc cần đến mình, khi hoàn cảnh chính trị có thể tạo điều kiện cho ông đem tài trí ra giúp đời, phụng sự đất nước.

Thế nhưng, tình thế ở buổi giao thời phức tạp tới mức ngoài tầm xoay chuyển của một vài cá nhân. Là một người hiểu thời thế, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã xin về trí sĩ vào năm 1542, sau khi Mạc Đăng Doanh qua đời. Theo Phan Huy Chú thì khi làm quan, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dâng sớ kể tội bọn bề tôi lộng quyền 18 người và xin giết hết. Không rõ lời tâu của ông có được vua chấp nhận hay không, nhưng ở triều được 8 năm thì ông nghỉ quan về quê.

Một nét hết sức đặc biệt của Nguyễn Bỉnh Khiêm là mặc dù đã xa rời chốn quan trường, về ẩn dật ở vùng thôn dã nhưng ông không quay lưng với thời cuộc, không thuộc hạng sĩ phu bất mãn “ngoảnh mặt đi”. Ông chăm chú theo dõi những biến cố, thường xuyên nắm được diễn biến tình hình, không lạc hậu với thời cuộc. Bởi thế, chẳng những vua Mạc coi ông như bậc thầy, mỗi khi có việc lớn đều sai sứ đến hỏi mà ngay cả đến Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng cũng nhờ những chỉ bảo tinh tế của ông mà thành công.

Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa là bậc trí giả vừa là bậc thức giả. Nhiều người cho rằng do thông hiểu lý số, thuộc lòng Thái ất thần kinh mà ông biết trước mọi sự. Có lẽ vì thế mà khi nói đến ông, người ta thường nhắc đến những lời sấm ký linh nghiệm. Về phương diện này, Nguyễn Bỉnh Khiêm dường như là một người có năng lực đặc biệt. Tiếc rằng, cho đến nay, những di sản lý học mà Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ và sâu sắc.

Tuy nhiên, tiến sĩ Phạm Từ, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đã có những đề xuất táo bạo, khoa học, khả thi về việc biến di sản lý học, di sản văn hoá Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thành sản phẩm đặc hữu của du lịch Hải Phòng. Theo tiến sĩ Phạm Từ, đồng bào miền núi, xưa nay vẫn bảo vệ di tích thành nhà Mạc ở Cao Bằng, muốn hơn một lần được đến thăm quê Trạng, nơi xuất phát của lời khuyên vô giá: Đất Cao Bằng tuy hẹp nhưng cũng giữ thêm được vài đời.

Nhân dân từ Thuận Hoá trở vào, nơi có rất nhiều trường học, đường phố mang tên Nguyễn Bỉnh Khiêm, muốn được một lần đứng trên đất Trạng nghe lời Trạng khuyên Nguyễn Hoàng: Hoàng Sơn nhất đái, khả dĩ dung thân. Muôn nhà, muốn được thắp hương tại ngôi chùa bên đền Trạng để nhớ về một lời Trạng mách bảo chúa Trịnh: Giữ chùa, thờ Phật được ăn oản. Không chỉ người Nam Đàn mà dân cả nước muốn đến tận nơi để hiểu xuất xứ và nghe bình giảng về lời sấm cách đây 4 thế kỷ: “Đụn Sơn phân giải, bò đái thất thanh, thuỷ đáo Lam thành, Nam Đàn sinh thánh”...

Thiên hạ muốn thăm lại Quán Trung Tân, muốn đọc bia lớn do tay Người dựng để hiểu về một nhà nho ưu thời mẫn thế, lấy chí trung làm chí thiện: Chí thiện ư vi cực, để cắt nghĩa một đời tài hoa, xuất xử linh hoạt đến kỳ lạ: ở ẩn trước khi làm quan; 45 tuổi mới đi thi, làm quan vào hàng đầu triều 8 năm lại rũ áo ra về...

Du khách muốn đến Bạch Vân Am, nơi tạo nguồn cảm hứng của một nghìn bài thơ Hán, thơ Nôm, nơi nói lên sự thanh bạch, trong sáng của lòng trung, nơi đào tạo hàng trăm nhân tài cho đất nước... Còn gì rung cảm hơn, lôi cuốn hơn khi đứng ngay trên nền Am cũ, được ngâm, được bình thơ Trạng để chiêm nghiệm về nhân tình thế thái, về đạo lý ở đời:

Còn bạc, còn tiền còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu hết ông tôi

Khu vườn Trạng, hẳn phải là một vùng “Giang sơn như hoạ, bút sinh hương”, êm ả, tĩnh mịch, với vườn rau, ao cá; với nào là “Thu tắm hồ sen, hạ tắm ao”, có cổ thụ rợp đường, hoa say ngát, trúc rủ che, có sương dính dép ban mai, có trúc cài trăng buổi tối, bóng lọt thuyền đêm khuya...

Chỉ qua phác hoạ vài nét chấm phá mà chúng ta đã cảm nhận sức quyến rũ của di sản văn hoá Trạng Trình, nếu được dụng công nghiên cứu, phục dựng một cách bài bản, khoa học thì chắc chắn đây sẽ là sản phẩm độc đáo, hấp dẫn của du lịch Hải Phòng.
 
Top