Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Lai thôn Nhân Mục xã Nhân Hòa - Vĩnh Bảo

taodo

Trùm quậy phá VBC
Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm nhưng dư âm và những mất mát mà nó gây ra vẫn còn in đậm trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Đã có biết bao người vợ mất chồng, người mẹ mất con và bao người ra đi không bao giờ trở lại. Trong danh sách thật dài những người con đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc ấy có 2 người con trai của Mẹ. Vì ngày thống nhất non sông, Mẹ đã nén lòng đưa tiễn các anh - tình yêu thương của cuộc đời Mẹ, lên đường tham gia chiến trận, để rồi mãi mãi không bao giờ Mẹ còn được gặp lại các con mình. Mẹ là Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Lai ở thôn Nhân Mục, xã Nhân Hoà. Mẹ Lai năm nay đã ngoài 90 tuổi nhưng giọng nói còn khoẻ khoắn, tinh thần còn minh mẫn lắm. Quê Mẹ ở thôn Ngãi Am, xã Hoà Bình, một vùng quê vốn nghèo khó. Tuổi thơ của Mẹ là cả một quãng đời gian truân, vất vả. Lớn lên, nhờ mai mối, Mẹ nên duyên vợ chồng với ông Trần Văn Lâm ở xã Nhân Hoà. Cuộc sống gia đình nhà chồng cũng hết sức khó khăn, túng thiếu nhưng Mẹ vẫn làm tròn trách nhiệm của một người dâu hiền vợ thảo. Ở tuổi 27, Mẹ Lai là Mẹ của 2 người con trai Trần Mạnh Vinh và Trần Trọng Quang. Chồng mất khi Trần Trọng Quang vừa tròn 3 tuổi. Gánh nặng gia đình đè lên đôi vai gầy guộc của Mẹ. Vốn hay lam hay làm, chịu thương chịu khó, Mẹ đã một mình vượt qua mọi vất vả của cuộc sống, bươn trải sớm hôm lo cho các con cái ăn, cái mặc, được học hành. Không phụ công lao và tình thương yêu của Mẹ, hai anh em Vinh, Quang ngày càng khôn lớn, chăm ngoan. Đó là niềm vui, niềm an ủi, là hạnh phúc của đời Mẹ, là động lực để Mẹ bất chấp mọi nhọc nhằn, gian khổ.
Thời kỳ giặc Mỹ leo thang bắn phá Miền Bắc, bao lớp thanh niên ngày ấy đã nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tình nguyện lên đường nhập ngũ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, trong đó có 2 người con trai của Mẹ. Nén nỗi đau thương, Mẹ động viên các anh yên tâm lên đường. Nơi hậu phương, Mẹ tích cực tham gia lao động sản xuất góp sức cho tiền tuyến, bảo vệ quê hương.
Hoà bình lập lại, bao người con nơi chiến tuyến lần lượt trở về nhưng các con của Mẹ vẫn bặt vô âm tín. Ngày qua ngày, Mẹ mong ngóng tin các anh trong vô vọng để rồi nỗi đau như xé lòng khi Mẹ được tin cả 2 anh đã anh dũng hy sinh trong cùng năm 1970 tại chiến trường Miền Nam. Sự mất mát quá lớn đối với tuổi già của Mẹ. Nỗi đau tưởng chừng không thể vượt qua. Mẹ tưởng mình đã viễn mất đi niềm hạnh phúc của cuộc đời. Nhưng Mẹ không mất đi tất cả. Bởi Mẹ luôn có niềm tự hào vì những người con anh dũng của mình. Máu của các anh đổ xuống làm cho màu cờ Tổ quốc thêm thắm hơn. Và hơn hết là Mẹ luôn được sống trong sự kính trọng, quan tâm, chia sẻ của chính quyền và nhân dân địa phương, bà con xóm giềng. Nỗi đau của Mẹ được xoa dịu phần nào.
Giờ đây, ở tuổi 93, Mẹ Lê Thị Lai vẫn tích cực tham gia sinh hoạt tại Hội Người cao tuổi của xã cùng các hoạt động khác ở địa phương, góp phần giáo dục các lớp con cháu về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, về tình yêu thương giữa con người với con người, tình yêu quê hương đất nước. Mẹ không chỉ là tấm gương sáng cho con cháu noi theo mà còn là niềm tự hào, yêu kính của quê hương Nhân Hoà./.
 
Top