Mỗi tuần 1 bài thơ - cùng chia sẻ và đàm luận!

dvhieu

Member
Mấy hôm trước, trong một câu chuyện với một người bạn ở xa. Nhân nói đến chuyện dại - khôn, lại tự tư cái cảnh rời bỏ việc xa để về VB mưu sinh, dvhieu tôi vô tình nhắc đến 2 câu thơ trong bài "Cảnh nhàn" của cụ Trạng:
"Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chỗ lao xao..."
Dvhieu xin được chọn luôn bài thơ này để mở đầu cho ý tưởng mỗi tuần cùng bình một bài thơ. Sau mỗi tuần lại chuyển qua bài khác, mời các bạn gom góp những bài thơ hay để chúng ta cùng thưởng thức và luận đàm.

Cảnh Nhàn...

Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chỗ lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quí, tựa chiêm bao.

Xin bàn luôn về câu 3-4. Lẽ dại khôn ở đời thật khó đánh giá, hơn nữa mấy ai khôn được mãi, mấy kẻ chịu dại lâu. Lại thấy mấy ai tự nhận là mình dại, mấy kẻ thấy dại mà cứ cố tình dại chứ chẳng chịu khôn? Bàn về lẽ dại - khôn, cũng nen nhắc đến "tư tưởng dại khôn" trong một bài khác:
"Khôn mà hiểm độc là khôn dại,
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn.
Chớ cậy rằng khôn khinh kẻ dại,
Gặp thời, dại cũng hoá nên khôn."

Hóa ra, cái sự khôn hay dại không phải là bất biến là thế.
Trong 2 câu này, lẽ khôn và dại chỉ phân biệt bằng một "lựa chọn": "tìm nơi vắng vẻ" hay "đến chốn lao xao". Cụ Trạng tự nhận mình là dại vì đã tìm về "nơi vắng vẻ", ai cũng hiểu đó là việc cụ cáo quan về Am Bạch Vân, về quê Vĩnh Bảo chúng ta làm ẩn sĩ; là nơi ngày ngày thanh thản với nhưng mai, quốc, cần câu hay với "bàn cờ cuộc rượu vầy hoa trúc... bó củi cần câu chốn nước non". Xin không bàn đến "chốn lao xao", chốn quan trường ô uế 18 tên lộng thần trong thời cuộc bấy giờ. Câu thơ này và cả bài thơ đều cho một cảm nhận rất nhẹ nhàng như một bài giáo huấn, bài dạy dỗ chứ không nặng nề, than vãn hay hằn học một phong thái đầy thanh cao của một hiền sỹ, một nhà đạo đức.
"Thớt có tanh tao ruồi đậu đến,
Ang không mật mỡ kiến bò chi?"

Giữa "thớt tanh" và "ang" thờ, giá trị đạo đức, thói xấu của con người được phơi bày quá bẽ bàng. Cũng về giá trị luân lý, đạo thường của con người, hản ai cũng từng nghe đến câu này:
"Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi."

Mới thấy tình đời bạc bẽo là vậy! Lẽ "khôn" - "dại" cũng nên nhìn từ thước ngắm của đạo đức, từ dân đen chân đất đến kẻ áo gấm kiệu lọng đều có cái cách nhìn nhận khôn-dại riêng cho mình. Riêng cụ Trạng, chỉ giáo huấn học trò và dân mình vài điều thế này:
"Làm người có dại mới nên khôn,
Chớ dại ngây si, chớ quá khôn.
Khôn được ích mình, đừng rẽ dại,
Dại thì giữ phận chớ tranh khôn... "

Cùng thưởng thức thêm thú "cảnh nhàn":
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.​
Chỉ với hai câu thơ, tác giả gói gọn một năm qua bốn thú nhàn của ốn mùa, thú gì cũng thanh nhã, bình dị. Các bạn chắc cũng từng biết đến 1 bài tứ tuyệt của Thôi Hiêu:
Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi.

Đúng là cái thú của các nhà trí sĩ, đầy giản dị và thanh tao.
....(Sếp đến :( )
 

Nhất Chi Mai

New member
Tống Biệt

"Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai,
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi.
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai
Ước cũ, duyên thừa có thế thôi!
Đá mòn, rêu nhạt
Nước chảy, huê trôi.
Cái hạc bay lên vút tận trời,
Trời đất từ đây xa cách mãi.
Cửa động
Đầu non
Đường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng soi."
-Tản Đà-​

"Ước cũ duyên thừa có thế thôi..."
Lưu Nguyễn ơi, không hẹn ngày gặp lại!
Tiên nữ ơi, thôi đành xá biệt ngàn thu!
..... ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi!
 
Top