Thấy mẹ đau, em chết đi từng phần

911

Super Moderator
Vẫn biết bán một quả thận, sức khỏe sẽ giảm sút, tính mạng của em sẽ rất nguy hiểm, thậm chí có thể chết nếu không tiến hành đúng kỹ thuật. Nhưng em biết làm sao vì mỗi lần chứng kiến cảnh mẹ lên cơn đau tim thì em như chết đi từng phần”.

Với mong ước có được số tiền 50 triệu đồng để chữa căn bệnh tim đang hành hạ mẹ từng ngày, trong lúc không biết"bám víu" vào đâu, người thanh niên Phan Văn Tài (21 tuổi) trú tổ 15, thôn Việt Sơn, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, đã đăng tải lời rao bán trên trên mạng internet, chấp nhận nguy hiểm đến tính mạng của mình.


Phan Văn Tài luôn canh cánh nỗi lo kiếm tiền chữa bệnh tim và xương sống cho người mẹ mang bạo bệnh

Chúng tôi gặp được Tài vào một buổi sáng cuối tháng 3 tại TP.Tam Kỳ trong vai một người đang tìm mua thận cho người chú đang lâm bệnh nặng. Tài vừa trở về với mẹ sau thời gian dài phiêu bạt kiếm sống nơi đất khách. Qua điện thoại, Tài nói : “Em không có tiền, không có phương tiện để vào Tam Kỳ gặp anh được. Em đang ở Bình Trị, có gì sáng mai, anh đến nhà em rồi anh em mình trao đổi. Mà nhà em khó tìm lắm, anh cứ đứng trước UBND xã em sẽ ra đón”.

Cuối tháng 3, những cơn mưa trái mùa, lạnh cóng càng thôi thúc tôi tìm gặp Tài bởi những câu nói chậm rãi, rụt rè của Tài qua cuộc điện thoại cứ ám ảnh tôi.

Sáng hôm sau, tôi quyết định đến điểm hẹn sớm hơn dự định. Vòng vèo theo con đường liên xã vắng người, tôi có mặt trước UBND xã Bình Trị (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) khi không gian yên tĩnh của vùng quê nghèo Quảng Nam chưa bị phá vỡ bởi cái ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống xô bồ, hối hả. Có lẽ sợ tôi chờ lâu, đổi ý hay đúng hơn, cuộc điện thoại của tôi ngày hôm trước như “chiếc cọc” mà Tài vừa tìm thấy được khi đang “đuối sức” giữa hi vọng mong manh: mẹ cậu sớm có tiền để chữa chạy. Tài đã có mặt từ bao giờ.

Như không tin vào mắt mình, trước mặt tôi là một thanh niên ăn mặc gọn gàng, tươm tất, cùng vóc dáng thư sinh nhỏ nhắn. Song trên khuôn mặt non nớt, sáng sủa, ánh mắt buồn thì không giấu vào đâu dược. Luôn rụt rè nhìn xuống dưới đất, Tài hỏi tôi bằng thái độ ngập ngừng: “Anh là cháu của chú Hùng ở Hà Nội phải không?”.

Mặc dù đã gặp và tiếp xúc với nhiều mẫu người từ giàu có, nghèo khổ hay dữ dằn yếu đuối và mặc dù chưa biết gì về hoàn cảnh cậu thanh niên này nhưng khi đối diện với em, trong tôi bỗng dâng lên niềm thương cảm kỳ lạ. Phải mất một lúc chế ngự cảm xúc của mình, tôi mới trả lời: “Chú Hùng nhờ anh liên hệ gặp Tài trao đổi trước, đồng ý rồi chú ấy bay vào gặp em sau”.


Tài tâm sự:"Mỗi lần chứng kiến cảnh mẹ lên cơn đau tim, em như chết đi từng phần"

Không đợi Tài nói, tôi đề nghị: “Em dẫn anh vào nhà rồi anh em mình nói chuyện, đứng đây lâu không tiện”. Cảnh giác, Tài đáp lại: “Mới gặp mà vào nhà em, em ngại lắm. Với lại, mẹ em đang bị bệnh tim rất nặng, anh em mình nói chuyện, lỡ mẹ em nghe mà có mệnh hệ gì thì em không thể sống được".

Chúng tôi hẹn nhau tại một quán cà phê ven đường quốc lộ 14E. Dường như không muốn ai nhận ra mình ngồi tại đây, Tài chủ động chọn một góc khuất trong quán và bắt đầu câu chuyện. Tài tâm sự: “Hôm trước anh điện nói là cháu của chú Hùng ở Hà Nội hẹn gặp để trao đổi, lúc đầu em ngại lắm. Nhưng căn bệnh tim hiểm nghèo của mẹ khiến em không thể trì hoãn được". Nói đến đây Tài rưng rưng, mắt đỏ hoe, giọng nghẹn lại, mặt cúi xuống để giấu đi nỗi đau của riêng mình.

“Em suy nghĩ, quyết định kỹ chưa mà rao bán thận vì sẽ có rất nhiều rủi ro, cạm bẫy thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng của em?". Tài nói ngay không cần suy nghĩ: “Là phận con cái thấy mẹ đau ốm mà em không có tiền đưa mẹ đi viện khám chữa bệnh em đau lòng lắm. Vẫn biết bán một quả thận, sức khoẻ sẽ giảm sút, tính mạng của em sẽ rất nguy hiểm, thậm chí có thể chết nếu không tiến hành đúng kỹ thuật. Nhưng biết làm sao bây giờ, mỗi lần chứng kiến mẹ lên cơn đau tim thì em như chết đi từng phần. Mà đến tiền sinh hoạt, thuốc men hàng ngày còn khó, huống chi tiền chữa chạy đến hàng chục triệu nên cũng... làm liều thôi”.

Mặc dù tôi giải thích cho Tài hiểu rất nhiều về hậu quả của việc bán thận và em có thể còn nhiều cách để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục với cha mẹ nhưng Tài vẫn tỏ rõ quyết tâm bán thận của mình. Vì thế, sau tâm sự của Tài, tôi đã tiết lộ"tung tích" của mình và Tài đã phản ứng lại bằng cái cách khiến tôi cảm thấy mình như vừa phạm một lỗi lớn.

Lúc này sắc mặt Tài thay đổi hẳn. Từ sự chờ đợi, hy vọng mong đáp ứng được yêu cầu của người mua thận chuyển sang lo lắng, trách móc và muốn trốn chạy ra khỏi quán càng nhanh càng tốt. Để tự trấn an mình, Tài đưa ly cà phê đen đắng ngắt lên miệng uống một hơi hết sạch. Đốt thêm điếu thuốc nhưng chỉ kéo vài hơi rồi dúi tàn thuốc vào chiếc gạt trên bàn để cố che đậy sự sợ sệt song Tài vẫn không giấu được đôi bàn tay đang run lên bên tách cà phê.


Chiếc xe đạp là tài sản có giá trị nhất của mẹ con bà Mai (mẹ Tài) ngoài căn nhà cấp bốn xây được từ quyên góp của người dân

Rồi Tài quay lại nửa trách móc, nửa nài nỉ tôi: "Nếu thật anh là nhà báo thì đến nước này em cũng nói thật. Em đang rất cần tiền để chữa bệnh cho mẹ và cách duy nhất để có số tiền lớn ấy nhanh nhất là em phải bán thận thôi. Vậy theo anh, em phải làm gì lúc này?”. Tôi hiểu suy nghĩ của em, vì giờ đây, với em việc cứu mẹ qua bạo bệnh là trên hết. Trấn an, tôi nói: "Em đồng ý để anh gặp mẹ, tìm hiểu hoàn cảnh anh nghĩ, trên đời này còn có rất nhiều tấm lòng hảo tâm, những mạnh thường quân ấy sẽ giúp em và mẹ em". Khi nghe tôi giải thích, mắt Tài ánh niềm hi vọng, nhìn xa xăm.

Phiêu bạt Sài thành từ năm lớp 6

Sau một hồi suy nghĩ, Tài đồng ý, nhưng ra điều kiện: “Gặp mẹ em, xin anh đừng nói chuyện em rao bán thận trên mạng nhé. Mẹ em bị bệnh tim nếu nghe, em sợ bà không chịu nổi đâu".

Ngồi bên chiếc giường ọp ẹp, trong ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ, lọt thỏm trong xóm nghèo Việt Sơn, tài sản quý giá không ngoài ngôi nhà xây, chiếc tivi cũ và phương tiện kiếm cơm là chiếc xe đạp được bà Nguyễn Thị Mai (mẹ Tài) mua cách đây gần 30 năm.


Ngồi bên con trai mình, bà Mai nghẹn ngào: “Chồng mất sớm, một mình lam lũ làm thuê cuốc mướn nuôi hai đứa con. Nhưng do nhà nghèo, không có tiền đóng học phí nên học đến lớp 5, con gái đầu Phan Thị Như Trang (SN 1979) phải nghỉ học đi làm thuê giúp mẹ nuôi em. Lớn hơn chút nữa Trang vào Sài Gòn làm công nhân, rồi lấy chồng cũng làm công nhân ở tận Long An. Từ khi lấy chồng đến nay Trang ít về quê vì quá khó khăn”. Nói đến đây thì bài Mai òa khóc, khóc cho cái nghèo khổ của mình và khóc cho hoàn cảnh của đứa con gái lấy chồng xa.

Từ đó, bà Mai một thân một mình xoay sở, làm bất cứ việc gì người khác thuê mướn để nuôi Tài ăn học. Ý thức được hoàn cảnh của mình, từ lúc lên lớp 6, mỗi đợt nghỉ hè Tài đã xin mẹ vào Sài Gòn làm phụ hồ kiếm tiền đem về đóng học phí, mua sách vở cho năm học mới.


Bữa cơm của 2 mẹ con Tài là bồi khoai luộc được nấu cả ngày trong căn bếp tồi tàn được dựng lên từ lòng hảo tâm của bà con chòm xóm

“Nhớ lại hồi đó, em thấy mẹ em cực khổ nhiều quá, thức khuya dậy sớm đi làm thuê để nuôi em, cho em ăn học mà không đủ. Nhà lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Cứ 4 giờ sáng là mẹ thức dậy nấu nồi khoai lang, chờ khoai chín rồi bỏ vội vài củ vào túi, đạp xe đi làm thuê hàng chục cây số. Khoai còn lại em ăn cả ngày, đến tối mẹ mới về nấu cơm. Vì vậy, hè lớp 6 em xin mẹ cho theo mấy cậu họ vào Sài Gòn làm nghề phụ hồ. Mỗi ngày cũng kiếm được hai chục ngàn để mua sách vở, đóng học phí cho năm học mới”, Tài kể.

“Đến năm lớp 10, học được ba tháng, thấy mẹ cực khổ, tiều tụy hơn trước em năn nỉ xin mẹ cho nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ mẹ. Mẹ không đồng ý. Nhiều đêm nằm bên mẹ, thấy mẹ trằn trọc, có lúc mẹ ngồi dậy ra ngoài hiên khóc một mình. Vì lo cho hai chị em mà mẹ vất vả, cực khổ, thức đêm dậy sớm rồi bệnh tật như ngày hôm nay”, Tài rưng rưng nước mắt.

Năn nỉ mẹ không được, em bắt đầu “quậy” để nhà trường đuổi học luôn nhưng nhà trường cũng không đuổi. Sau đó, em bỏ học “đi bụi” ra Đà Nẵng làm thuê cho các quán nhậu vỉa hè khoảng một hai tháng thì mẹ kêu về đồng ý cho nghỉ học để vào Sài Gòn phụ hồ với mấy ông cậu họ và hứa một thời gian sau thì mẹ sẽ vào.

Và cũng từ đó em lang bạc, kiếm sống từ Sài Gòn cho đến các tỉnh phía Nam. Ở đâu cần người, có việc là em làm, với hy vọng một ngày nào đó dành dụm được chút tiền rồi về đưa mẹ đi chữa chạy.

Nhưng với số tiền công ít ỏi từ nghề phụ hồ, làm thuê làm mướn mong ước có được 50 triệu để chữa bệnh cho mẹ của Tài dường như là điều... không tưởng. Trong khi bệnh tình của mẹ càng lúc càng nặng, hằng ngày, chứng kiến những cơn đau đớn hành hạ mẹ, Tài càng nóng ruột và trong một lúc không biết bám víu vào đâu, Tài quyết định rao bán một phần cơ thể mình với niềm hy vọng lớn...
 

NiceDream

Active member
Hic hic, không đọc thì không được, nhưng mỗi ngày lên mạng đều thấy những câu chuyện như thế này nhiều quá! Tiếc rằng mình chỉ có thể đồng cảm mà không help gì về kinh tế được. .......
 
Top