Về Vĩnh Bảo ăn cỗ cưới

Nho_QueHuong

New member
Ở nông thôn, đám cưới thực sự là một ngày vui chung của cả làng. Trước đây, tiệc cưới thường do họ hàng làng xóm đến lo cùng gia chủ. Ngày nay, do nhu cầu nâng cao nên dịch vụ nấu cỗ thuê dần thế chỗ...
Cảnh thường thấy ở một cỗ cưới quê Theo chân một thợ chuyên nấu cỗ, tôi được tiếp cận với hậu trường các đám cưới và không khỏi giật mình khi được tận mắt chứng kiến cảnh chuẩn bị nấu nướng từ A đến Z...

Anh Phạm Công Hà ở xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo là người cho tôi "theo chân" tới ba đám cưới ở các xã Liên Am, Cao Minh và Nam Am có thống kê: "Một đám cưới bây giờ ít nhất cũng phải 50 mâm. Nhà nào có mối quan hệ kha khá thì 80 còn rộng là 120 mâm và chia ra ăn hai ngày.
Để chuẩn bị kịp cho việc dọn cỗ vào 9h sáng thì bắt buộc phải chế biến thực phẩm từ tối hôm trước và chuẩn bị nấu nướng từ lúc 6-7h sáng hôm sau". Như vậy, lễ cưới ở quê thường kéo dài hai ngày, nhà nào cỗ to thì phải ba ngày. Trước ngày cưới chính, ban "hậu cần" của gia chủ tự lo việc chuẩn bị thực phẩm và thường quây một khu vực phía sau nhà, gần với nguồn nước để làm địa điểm giết mổ kiêm nấu nướng. Chính tại "điểm nóng" này, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm bắt đầu xuất hiện.
Nguy cơ đầu tiên đến từ việc sử dụng nguồn nước. Do lượng thực phẩm và bát đũa sử dụng cho hàng trăm người ăn cùng một lúc là rất lớn nên nhà nào có ao liền được sử dụng "hết công suất": gà vừa thịt xong thì đến rửa rau, rau xong thì đến lượt bát đũa thế chỗ.
Vì nguồn nước dùng chung như vậy nên việc thực phẩm và đồ dùng bị nhiễm vi khuẩn, vi trùng là đương nhiên. Đáng lo ngại hơn là ta không thể nhận ra vi khuẩn, vi trùng bằng mắt thường nên rau sống cứ thế "bay" thẳng lên mâm cỗ còn việc tráng rửa và lau bát đũa thường được làm qua loa cho kịp giờ ăn.
Nguy cơ thứ hai đến từ khâu bảo quản thực phẩm - khâu do các thợ nấu cỗ đảm nhiệm. Với cỗ cưới quê, thực đơn có thể thay đổi tuỳ theo yêu cầu của gia chủ nhưng một số món "chủ công" thường có là gà luộc, bò luộc, giò, nộm và xôi gấc.
Các món ăn này đều được chế biến và "trưng bày một cách tự nhiên" bảy tiếng đồng hồ mà không có một phương tiện bảo quản nào
Gần tới giờ ăn, hàng chục rổ rau, đĩa thịt sau khi được "bốc" bằng tay từ mẹt lên sẽ được bày trên chạn. Chạn ở đây là các giá gỗ hoặc sắt từ 5 - 7 tầng dựng ngay nơi chế biến thức ăn để tiện việc bày biện. Tầng thấp nhất của chạn chỉ cách mặt đất vài cm và không hề có lồng bàn để đậy nên khó tránh khỏi việc bị bụi bẩn dính vào.
Càng những mâm dọn ra sau càng ít món nóng. Những món còn dôi dư ở mâm trước được dồn lại sang đĩa mới, nếu khách đến nhiều, không kịp hâm lại nóng thì dọn lên luôn cho nhanh gọn. Thế là có những đĩa thức ăn từ mâm buổi sáng lại "trình diện" lên mâm gần trưa...
Khi có ý định viết bài này, tôi dành thời gian tìm hiểu về "10 nguyên tắc chung nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về vệ sinh an toàn thực phẩm" thì thấy cỗ cưới quê vi phạm tới 8 nguyên tắc về sử dụng nguồn nước, bảo quản và chế biến thức ăn, chỉ có 2 nguyên tắc về thực phẩm tươi sống và nấu chín kĩ là được thực hiện đúng.
Sự thật là các nhóm thợ chuyên nấu cỗ thuê chưa bao giờ có kiến thức đầy đủ về an toàn thực phẩm hay được học qua trường lớp nấu ăn mà thường do có kinh nghiệm, tay nghề nên kết hợp nhau thành nhóm để hành nghề.
Về phía khách khứa, đến dự chủ yếu là người làng nên nếu ai có biết quy trình nấu ăn cũng xuề xoà cho qua vì "lần trước nhà mình làm cỗ có khác gì". Khi đề cập đến việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm dễ dẫn đến dịch tiêu chảy, người dân đều biết và cũng quan tâm nhưng hình như ai cũng nghĩ: "dịch ở đâu đâu chứ làng mình thì chưa thấy đâu, cứ… vô tư đi".
Thời điểm này, ở Vĩnh Bảo đã có gần chục bệnh nhân nhiễm phẩy khuẩn tả. Vì thế, khi dịch tiêu chảy cấp "đến hẹn lại lên" và khi mùa cưới còn dài, mọi người cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm hơn nữa bởi "phòng bệnh" bao giờ cũng tốt hơn "chữa bệnh".
 

A.ONLY

DESIGNS.VN
ở đó là nơi ba ma anh đang sống đó ,quê hương tôi là vậy ,họ hiền lành thật thà .họ hiền lành thật thà ,chứ có ở chỗ phồn hoa đô thị ăn ngon mặc đẹp được như anh đâu
 
Sửa lần cuối:
Top