Đình Lễ Hợp - Tam Đa - Vĩnh Bảo

taodo

Trùm quậy phá VBC
article4820.jpg

Mảng chạm cá chép vượt Vũ môn
Di tích lịch sử văn hoá và kiến trúc nghệ thuật đình Lễ Hợp nằm ở xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Đây là di tích duy nhất còn lại của xã Tam Đa phản ánh truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước từ lâu đời cũng như truyền thống văn hoá ở một địa phương.

Về nguồn gốc lịch sử nhân vật được thờ ở đình Lễ Hợp, bản thần tích chỉ rõ: '...Phạm Đàm bí mật chiêu tập binh mã, ngày đêm luyện tập. Ông lại đi liên kết với hào kiệt bốn phương, bàn kế hoạch đánh đuổi giặc Đông Hán. Ông là một trong những người đem binh lương về hội quân với Trưng Nữ Vương ở Mê Linh để thống nhất các lực lượng khởi nghĩa trong nước, cùng lo toan việc lớn nước nhà'. Ghi chép này của bản thần tích cho thấy nhân vật được thờ ở đây là Phạm Đàm, người đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Đông Hán xâm lược hồi thế kỷ thứ nhất.

Theo truyền ngôn của dân làng, đình Lễ Hợp xưa cũng có mái đao cong duyên dáng, có lát ván sàn ở tiền đường. Do thời gian tồn tại lâu dài, bị xuống cấp nên vào năm Nhâm Tuất (1922) đời vua Khải Định thứ 6, đình được sửa chữa lớn. Những di vật còn lưu giữ lại đình chủ yếu mang dấu ấn của phong cách nghệ thuật thời Nguyễn đầu thế kỷ XX.

Kiến trúc đình kiểu chữ 'đinh' (J) có 5 gian tiền, 2 gian cung chuôi vồ. Mái đình được lợp ngói hai lớp, nóc mái trang trí đôi kìm ngậm bờ nóc mái. Hồi tường đình được xây cất bởi hàng vạn viên gạch cỡ đại 52 x 15 x 10cm, đáng chú ý qua kỹ thuật gắn và trát mạch vữa liên kết những viên gạch cổ. Dưới bờ nóc mái đắp 5 trụ đấu hình chữ T, vữa trát tường cao sát đến nóc trụ mái, còn phần lớn tường hồi ngôi đình để lộ mạch vữa phẳng rãnh và đều tạo hình 'quả chuông cách phản', phổ biến ở những công trình kiến trúc đầu thế kỷ XX ở Việt Nam.

Mặc dù không có qui mô đồ sộ nhưng đình Lễ Hợp lại mang nét rất đặc sắc, nổi bật ở phần trang trí nghệ thuật qua các chi tiết, mảng chạm của kiến trúc gỗ tập trung ở toà tiền đường. Với phong cách trang trí dàn trải từ ngoài vào trong, các đề tài như 'Phượng hàm thư', 'Lưỡng ngư chầu nguyệt', 'Rồng mây hội tụ, 'Nghê gảy đàn'.... Trong đình còn bảo lưu được nhiều đồ thờ tự quí, có niên đại từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX như long đình, đang án, câu đối, đại tự... phản ánh nét văn hoá, lễ hội của làng Lễ Hợp.

Đình Lễ Hợp có một cảnh quan thoáng rộng, đặc biệt phần trang trí trên kiến trúc ngôi đình vừa phóng khoáng, vừa phong phú về loại hình, nội dung thể hiện trên gỗ. Qua sáu cặp đầu dư được cách điệu hình đầu rồng có đủ phần râu tóc, mắt lồi, lưỡi rồng đè lên viên ngọc nhỏ. Đây là nét khác biệt qua phong cách tạo hình rồng dân gian của hai kíp thợ tài hoa, góp phần tạo ra vẻ đẹp cổ kính của ngôi đình Lễ Hợp.

Đình Lễ Hợp thờ Phạm Đàm là một trong những bộ tướng của Hai Bà Trưng trong cuộc khởi nghĩa năm 40-43. Những nhân vật lịch sử này đã làm nên trang sử đầu tiên của truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước ở Hải Phòng ngay từ thế kỷ thứ nhất. Chính vì vậy, đình Lễ Hợp là một di sản văn hoá tiêu biểu đã được Nhà nước công nhận năm 1994. Đây là nguồn tư liệu quí giá có giá trị nghiên cứu về nhiều mặt như kiến trúc nghệ thuật truyền thống, sinh hoạt văn hoá lễ hội tín ngưỡng của làng. Đặc biệt là lịch sử nhân vật Phạm Đàm, người được tôn thờ ở đây với tư cách là thành hoàng làng, là người anh hùng đầu tiên được ghi lại trong cuộc đấu trang vì nền độc lập tự do của dân tộc ta ở Hải Phòng.

Lễ hội đình Lễ Hợp hàng năm được nhân dân và chính quyền địa phương long trọng tổ chức vào ngày mồng 10-3 âm lịch. Lễ hội đúng vào dịp giỗ tổ Hùng Vương, để phát huy truyền thống sinh hoạt văn hoá và tưởng nhớ người anh hùng có công với quê hương, đất nước. Hiện tại, đình Lễ Hợp là một bảo tàng thu nhỏ, hàm chứa nhiều giá trị về lịch sử, truyền thống yêu nước và cách mạng qua các thời kỳ lịch sử của địa phương./.
 
Top