Đất và người Vĩnh Bảo

taodo

Trùm quậy phá VBC
Phạm Văn Lương (SN 1984, ngụ khu dân cư Lam Sơn, thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo, Thành phố Hải Phòng) vốn chỉ là một thanh niên buôn gà ở chợ huyện, thế nhưng Lương nổi tiếng vì… có “duyên” gặp các vụ tai nạn giao thông và trở thành "Lục Vân Tiên" bất đắc dĩ cứu giúp người gặp nạn. Xã hội có nhiều người tận tâm cứu giúp người bị nạn trên đường, nhưng tận tình đến mức hoãn đám cưới để vào bệnh viện chăm sóc người dưng, kết nghĩa anh em với người gặp nạn đã chết như Lương thì có lẽ “có 1 không 2”.

Duyên nợ với người gặp nạn

Lương kể lại, có lẽ số phận đã sắp đặt cho anh những tình huống oái oăm. Chiều ngày 20/12/2009, khi anh trên đường đi đám ma một người thân trở về, đến đoạn đường Phạm Hùng (Từ Liêm, Hà Nội), rẽ vào quán nước ngồi nghỉ chân thì gặp một vụ tai nạn. Nhìn sang bên kia đường, thấy mọi người đi đường đang "xúm đông xúm đỏ", anh hỏi chị hàng nước: "Có gì đó chị? " thì nhận được câu trả lời lơ đễnh: "Tai nạn ấy mà. Ở đây tai nạn liên tục, hơi đâu mà để ý hả chú? Nghe nói bị nặng lắm, nằm bất động 15’ rồi mà chẳng ai cứu. Chắc chết".

Lương thuật lại: "Người đi đường lại qua nườm nượp như mắc cửi mà không thấy ai dừng lại cứu giúp, có đứng lại xem cũng chỉ vì tò mò chứ không ai có ý định cứu giúp. Tôi đau lòng quá vì không hiểu sao người ta nhẫn tâm đến vậy. Ai cũng có thể rơi vào trường hợp tương tự, nếu mình hoặc người thân mình lỡ không may gặp nạn, cũng bị bỏ mặc nằm bên vệ đường thì sao nhỉ? ". Nghĩ đến đó, Lượng móc tiền trả tiền nước mà không kịp lấy lại tiền thừa, lao sang bên đường rẽ đám người xe hiếu kỳ để vào xem xét. Trên vỉa hè là người đàn ông ôm đầu, máu me be bét. Có người nói: "Nó chết rồi, đừng đụng vào". Lương bất bình: "Đang còn thở, để thế mới chết!". Nhận thấy nạn nhân còn đang thoi thóp thở, ngay lập tức Lương bảo mọi người đứng ra làm chứng, anh kiểm tra túi quần nạn nhân thấy 55 ngàn đồng và 1 chùm chìa khóa, không có giấy tờ tùy thân. Không mảy may suy nghĩ, anh gọi xe taxi bế người bị nạn lên xe đưa vào viện cấp cứu, không quên dìu người đàn ông gây tai nạn trên lề đường đi cùng vào viện 19 - 8 (Bộ Công an) trước sự ngạc nhiên của hàng trăm người hiếu kỳ.

Kết nghĩa với... người đã chết

Câu chuyện tưởng chỉ đơn giản là một trong nhiều vụ cứu người bị tai nạn giao thông trước đây Lương đã từng làm. Thế nhưng Lương không ngờ đã có một sợi dây ràng buộc nào đó khiến anh mất cả năm trời theo đuổi vụ việc này.

Cùng vào bệnh viện với Lương là người đàn ông gây tai nạn bị thương ở đầu. Người này sau khi đưa anh 1 triệu đồng để lo tiền viện phí cho nạn nhân thì trốn mất bỏ lại mình Lương với người bị nạn trong viện.

Trung úy Phạm Thế Quyền, Đội điều tra hiện trường tai nạn giao thông Công an huyện Từ Liêm, người thụ lý giải quyết vụ tai nạn này cho biết, những trường hợp này bị coi như vô thừa nhận, gây rất nhiều khó khăn trong việc xác định nhân thân, khám chữa bệnh vì không có người thân đứng ra bảo lãnh, chăm sóc. Trung uý Quyền nói: "Anh Lương tự nguyện đứng ra chăm sóc, bảo lãnh người bị nạn. Lúc đầu chúng tôi cứ tưởng anh ấy là người nhà của nạn nhân, mãi về sau này ai cũng ngạc nhiên khi biết Lương chỉ là một người đi đường chứng kiến vụ việc".

Y tá Vũ Đức Thao (cán bộ Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện 19-8) kể lại: "Ban đầu, khi mới tiếp nhận nạn nhân, chúng tôi chỉ nghe loáng thoáng là nạn nhân không có người thân, chỉ có người thanh niên tình nguyện bỏ tiền của mình ra xin làm thủ tục nhập viện. Thú thực lúc đó tôi và nhiều đồng nghiệp không tin lắm. Nhưng những ngày sau khi mọi chuyện được làm rõ thì chúng tôi tin và vô cùng cảm động. Lòng tốt của Lương cũng là động lực khiến anh em chúng tôi cố gắng về mặt chuyên môn để cứu chữa nạn nhân, dù cơ hội sống cho nạn nhân rất mong manh".

Khi gặp vụ tai nạn, Lương đang trên đường về Hải Phòng, sau khi trả tiền nhập viện cho người bị nạn thì chẳng còn tiền ăn cơm, nhiều đêm thức canh chừng người vô danh, đói bụng anh phải nhai mì tôm sống. Tiền mua thuốc cho nạn nhân, Lương phải gọi điện về quê nhờ bạn bè gửi tiền lên. Sau này cảm phục tấm lòng nghĩa hiệp của chàng trai trẻ, bệnh viện 19 - 8 đã hỗ trợ anh tiền thuốc men và viện phí. Các bác sĩ trong Khoa Hồi sức Cấp cứu còn mua cơm cho anh trong những ngày lưu lại đây.

Lòng nhiệt tình cứu chữa của các bác sĩ và sự tận tâm của Lương không giúp nạn nhân qua cơn nguy kịch. Sau 6 ngày hôn mê, nạn nhân trút hơi thở cuối cùng. Thi thể nạn nhân được giữ lại trong nhà xác bệnh viện 13 ngày để phục vụ công tác điều tra. Thời gian đó Lương cũng đang chuẩn bị cưới vợ. Gia đình hai bên gọi điện tới tấp yêu cầu về nhà, anh ngậm ngùi rời bệnh viện về Hải Phòng dù "trong lòng lúc nào cũng áy náy".

Câu chuyện đến đây cứ tưởng kết thúc nhưng không phải thế. Cưới vợ xong, lúc nào Lương cũng thấy ám ảnh với câu hỏi: "Nghĩa tử là nghĩa tận, mình đã đưa người ta vào đấy, sao giờ việc chưa xong mà mình đã phủi tay?". Anh lại bắt xe ngược lên Hà Nội, đợi công an điều tra xong thì nhận xác người xấu số mang ra Văn Điển chôn cất. Lương làm lễ cầu siêu cho nạn nhân và xin được nhận làm em kết nghĩa, đặt tên cho người đã mất là Phạm Văn Duy như lời anh nói "Tôi lấy tên cậu ấy theo họ của tôi để người chết còn có tên tuổi, khỏi thành cô hồn không nơi bấu víu".

Tìm tên thật cho "em trai"

Người chết nhưng chưa hết chuyện. Lương vét những đồng tiền cuối cùng trong gia đình đi đến nhiều địa phương tìm người thân của nạn nhân, đăng thông tin tìm người nhà nạn nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lương quay trở lại công an huyện Từ Liêm nhiều lần để nhờ công an phối hợp, gặp lại các bác sĩ trong viện 19 - 8 để dò hỏi các thông tin về người chết... Thế nhưng những cố gắng này đều không có kết quả.

Hoãn đám cưới để chăm sóc người... dưng, Tin tức trong ngày, hoan dam cuoi, Luc Van Tien, tai nan giao thong, ket nghia anh em, cuu nguoi, thi the nan nhan
1293351134-anh-luong1.jpg

Lương bên mộ "em trai"

Trung úy Phạm Thế Quyền, công an huyện Từ Liêm cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Từ Liêm cũng đã ra Công văn yêu cầu số 116 (ngày 25/12/2009) gửi C27, Phòng PV 27 các tỉnh, thành phố để tra cứu cơ sở dữ liệu, tàng thư công dân để xác định tung tích nạn nhân. "Lần đầu tiên một nạn nhân vô thừa nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều người, nhiều cơ quan đến thế", trung uý Quyền cho biết.

Về phần Lương, sau khi thông tin được phát đi, đã có nhiều người tìm đến anh để mong nhận thân nhân, nhưng kết quả miêu tả không trùng khớp. Anh cũng đã hàng chục lần về nơi có người nhận nạn nhân là thân nhân để điều tra thêm kết quả trước khi khẳng định, nhưng tới nay kết quả vẫn chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Chúng tôi tìm đến Khu 5A, nghĩa trang Văn Điển, nơi người thanh niên gặp nạn được chôn cất. Ngôi mộ nạn nhân được Lương xây cất đẹp đẽ, bia đá nổi bật chữ màu vàng Phạm Văn Duy chứ không cô đơn dòng chữ Vô danh. Các nhân viên quản trang kể: "Cậu Lương tốt lắm, tháng nào nó cũng từ Hải Phòng lên thắp hương 2, 3 lần cho "em". Lần nào lên cũng có lễ, cúng xong phát lộc cho chúng tôi hết".

Phạm Văn Lương là một trong bốn thanh niên trên toàn quốc được vinh danh trong Cuộc học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phát động năm 2010. Lương suy tư: "Ai một lần sinh ra trong đời cũng có tên tuổi, cũng có người thân, chẳng lẽ khi không may chết đi lại không còn dấu tích gì trên đời? Nhiều người khác trong trường hợp ấy cũng suy nghĩ và hành động như tôi mà thôi".
 

M.I.N

Về nơi xa tít...
Thành viên BQT
Một tấm gương, một hình ảnh đẹp về người Vĩnh Bảo. Mọi người nghĩ sao nếu tết này chúng ta tới hỏi thăm và chúc tết anh.
 
Top