Có chí thì nên

Zero

New member
showpicture.asp

15 tuổi, rời quê đi "học nghề

"Vào đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp và sống có ích". Câu nói chắc như đinh đóng cột của người thanh niên 24 tuổi, có đôi mắt sáng và khuôn mặt thanh tú khiến tôi cảm phục hơn ý chí và nghị lực chiến thắng cái nghèo trên mảnh đất quê hương của anh.


Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cổ Am (Vĩnh Bảo) giàu truyền thống hiếu học, học giỏi nhưng cậu thanh niên Đỗ Hữu Hoàng không được may mắn học lên THPT như các bạn cùng lứa. "Nhà mình nghèo lắm! Mẹ và chị gái thường xuyên ốm đau, em trai còn nhỏ, gánh nặng "cơm áo, gạo tiền" dồn hết lên vai bố. Hằng ngày, cứ làm xong việc ngoài đồng, bố lại đi làm thuê, đội đất, đội cát dưới bến. Thấy bố cực quá, mình chỉ biết thương, chứ chưa biết giúp gì...". Với giọng trầm ấm, Hoàng mở đầu câu chuyện về con đường đến với nghề chạm khắc gỗ.


Thương nỗi vất vả ấy, Hoàng ước sao có được một nghề của riêng mình để nuôi sống bản thân, đỡ đần bố mẹ. Vừa nghe người quen của bố giới thiệu về Trường Cao đẳng nghề chế biến gỗ Trung ương ở Hà Nam, cậu bé Hoàng khi đó mới học hết lớp 9, mạnh dạn xin được vào Hà Nam theo học lớp điêu khắc gỗ. Trước sự quyết tâm của con trai, ông Đỗ Hữu Năm ngậm ngùi đồng ý.


15 tuổi, chập chững sống xa nhà, nhưng Hoàng luôn nhận được sự tin tưởng của gia đình. 2 năm đi học với cậu dài đằng đẵng. Thương bố mẹ công khó, công nhọc mới làm ra một đồng, Hoàng chỉ về đoàn tụ với gia đình vào dịp Tết, để dành tiền lo cho việc học. Sự quyết tâm "phải có một cái nghề" thôi thúc cậu không ngừng vươn lên đạt điểm tối đa ở tất cả các môn học. Năm 2004, Hoàng là một trong 4 học sinh tốt nghiệp loại giỏi.


Học tập là vậy, nhưng phải cọ xát với công việc thực tế mới rèn luyện được tay nghề. Ra trường, Hoàng xin việc ở nhiều nơi với mong muốn học hỏi, tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ những người thợ lành nghề. Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nam Định…đều in bước chân của người thanh niên giàu ý chí và nghị lực này.


"Có chí thì nên"...


"Không ở đâu lập nghiệp tốt hơn ở quê mình, vì còn có gia đình, họ hàng, làng xóm..." Với suy nghĩ ấy, đầu năm 2007, cậu thanh niên trẻ quyết tâm mang nghề điêu khắc gỗ về làng.


Khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng, những khó khăn về vốn, địa điểm rồi khách hàng cứ chồng chéo lên nhau. Nhờ bản lĩnh "dám nghĩ, dám làm", một lần nữa cậu khiến cha mình gật gù đồng ý. Thấy con quyết tâm làm ăn, ông Đỗ Hữu Năm "đánh bài liều", mang bìa đỏ ngôi nhà được dựng lên từ công sức bao năm vất vả của vợ chồng ông đi cầm cố vay ngân hàng 30 triệu đồng lấy vốn cho con.


"Ban đầu, mình phải tự đi chào hàng, quảng cáo. Nhiều người tỏ ra nghi ngờ vì nghĩ mình trẻ, không làm được việc. Thấy thế, mình chủ động đề nghị, đến ngày giao nhận sản phẩm, khách hàng thấy ưng ý mới nhận tiền công...". Từ kinh nghiệm thực tế, kết hợp với đôi bàn tay tài hoa, các loại sản phẩm từ bàn ghế, khung gỗ, tranh tứ quý chạm khắc tinh vi các loại hoa văn theo 4 mùa xuân, hạ, thu, đông…Hoàng làm ra nhanh chóng thuyết phục được những khách hàng khó tính. Khách hàng cũ giới thiệu khách hàng mới,…Cứ thế, không ít người ở tận Thủy Nguyên, Thái Bình, Hải Dương… cũng tìm đến cái lán nhỏ của Hoàng để đặt hàng. Một mình làm không hết việc, Hoàng gọi 4 người bạn học cũ ở trường nghề, quê ở Yên Bái, Thanh Hóa cùng làm. Anh cho biết, công việc đều đặn, trung bình mỗi thợ được từ 3 đến 3,5 triệu đồng/ tháng.


Sau hơn 2 năm làm việc chăm chỉ, tích góp, Hoàng nâng cấp dần nơi làm việc, xây dựng nhà ở khá tiện nghi cho mấy anh em làm chỗ ăn nghỉ, làm việc, đỡ đần bố mẹ ít nhiều về kinh tế, số tiền vay ngân hàng đã được trả phân nửa. Ngoài việc tạo việc làm cho các bạn cùng học, Hoàng còn nhiệt tình hướng dẫn nghề cho 2 thanh niên ở xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Bảo).


Nhìn vẻ phấn khởi của vợ chồng ông Năm khi thấy con dần vượt qua khó khăn, hàng xóm khâm phục lấy Hoàng làm tấm gương để dạy con cái phấn đấu học tập và vươn lên trong cuộc sống, ai cũng tin chắc một ngày không xa, Hoàng sẽ thực hiện được ước mơ ngày đêm nung nấu – "có một xưởng riêng và tạo được công ăn việc làm cho nhiều người".


Giang Anh​
 
Top