Phát triển giáo dục mầm non ở Vĩnh Bảo: Phấn đấu đến năm 2015 có đủ phòng học

thanhtn.vb

one-night
Cũng như nhiều địa phương khác, bậc học mầm non ở Vĩnh Bảo đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất, chế độ chính sách đối với cán bộ giáo viên. Phát triển giáo dục mầm non ở Vĩnh Bảo theo hướng chuyển các trường bán công sang công lập tự chủ một phần kinh phí theo Nghị quyết số 30 của Ban Thường vụ Thành ủy; Nghị quyết số 17 của HĐND thành phố có những thuận lợi, song khó khăn và thách thức đặt ra đối với chính quyền địa phương.
mam%20non.jpg

Trường mầm non Tân Liên​
Thiếu cả bếp ăn, nhà vệ sinh

Cùng cán bộ Phòng giáo dục và đào tạo huyện xuống cơ sở, chúng tôi mục sở thị những khó khăn mà nhiều trường mầm non trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo phải đối mặt. Càng thấu hiểu hơn nỗi khổ của các cô nuôi dạy trẻ. Chật hẹp, xuống cấp, xa khu trung tâm, phân tán, một số nơi các cháu phải học nhờ nhà dân, nhà văn hóa thôn, thiếu thốn đủ thứ… là những gì thường thấy ở hầu hết trường mầm non tại 30 xã, thị trấn.

Nhiều điểm trường thiếu khu vui chơi, giải trí cho các cháu, thậm chí thiếu cả bếp ăn, công trình vệ sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Len, Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Liên chia sẻ: “Chỉ có yêu nghề, yêu trẻ chúng tôi mới gắn bó với nghề lâu dài và vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Trường mầm non Tân Liên có 4 điểm trường phân tán thì có tới 3 điểm xuống cấp, các cháu phải học nhờ, học tạm nhà văn hóa thôn. Điểm ở thôn Tiền Hải, điểm trường ở thôn Vinh Quang, ban ngày các cháu học, buổi tối các cụ trong thôn lấy làm nơi sinh hoạt.

Trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Vĩnh Nảo Phạm Văn Toán cho biết, so với các địa phương khác, bậc học mầm non của huyện Vĩnh Bảo khó khăn hơn cả. Cơ sở vật chất thiếu về số lượng, xuống cấp về chất lượng, phân tán nhiều khu (toàn huyện còn 81 điểm trường). Hầu hết trường không có phòng hiệu bộ, phòng chức năng; số phòng học nhờ, học tạm, phòng học cấp 4 còn nhiều (toàn huyện có 138/282 phòng học cấp 4, phòng học nhờ), số phòng học đạt chuẩn ít, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia thấp.

Toàn huyện mới có 4/31 trường đạt chuẩn. Thiết bị phục vụ nuôi dạy trẻ thiếu và lạc hậu. Đơn cử như điểm trường xã Dũng Tiến, Tân Liên, An Hòa, Hiệp Hòa… Vì vậy, đời sống của nhiều giáo viên mầm non ngoài công lập không tránh khỏi khó khăn. Chế độ chính sách còn bất cập, có nữ cán bộ quản lý đến tuổi nghỉ hưu (55 tuổi), với số năm công tác 33 song số năm đóng BHXH trên 15 năm, do đó không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu, số cán bộ, giáo viên có trình độ tin học ít.

Trước những khó khăn trên, Vĩnh Bảo kiến nghị thành phố sớm có văn bản hướng dẫn mức thu học phí năm học 2010-2011 theo Nghị định 49/CP; cho phép một số xã điều chỉnh kế hoạch cải tạo địa điểm phòng học (theo kế hoạch phân bổ của UBND thành phố) bằng xây mới phòng học; tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia như: Tam Đa, Vĩnh An, Liên Am, Hưng Nhân, quan tâm hơn đến chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên mầm non…

Ưu tiên khắc phục hơn 100 phòng học xuống cấp

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Kể tại cuộc làm việc với UBND huyện Vĩnh Bảo về thực hiện Nghị quyết số 30 của Ban Thường vụ Thành ủy và Nghị quyết số 17 của HĐND thành phố về phát triển giáo dục mầm non thành phố Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Trên cơ sở rà soát hiện trạng hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường mầm non có kế hoạch đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Trước mắt, khắc phục hơn 100 phòng học cấp 4 xuống cấp trầm trọng.

Phó chủ tịch yêu cầu huyện Vĩnh Bảo bắt tay ngay vào việc tiếp tục rà soát lại quy hoạch các trường mầm non ở các địa phương để xác định vị trí nào xây dựng một điểm hoặc hai điểm phù hợp với điều kiện thực tế tại các xã, đồng thời ưu tiên quỹ đất thực hiện dự án, có quy hoạch đến năm 2015 đủ phòng học, xây dựng trường mầm non bán công sang xây dựng trường mầm non công lập.

Nhanh chóng hoàn thành kế hoạch cải tạo phòng học nâng cấp theo kế hoạch bố trí của thành phố. Đối với các dự án đã được duyệt, cần đẩy nhanh tiến độ; đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Theo Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vũ Thị Phương Vinh, muốn phát triển giáo dục mầm non có 2 yếu tố quan trọng là cơ sở vật chất và con người. Vĩnh Bảo cần đẩy mạnh chương trình xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy và học cho trẻ từ các nguồn, trong đó chú trọng tới việc kêu gọi, huy động sự đầu tư, ủng hộ từ những con em Vĩnh Bảo thành đạt đang sinh sống trên mọi miền Tổ quốc.

Huyện Vĩnh Bảo có 31 trường mầm non, trong đó có một trường công lập, 30 trường với 727 cán bộ giáo viên, trong đó 102 giáo viên biên chế. So với yêu cầu, hiện bậc học mầm non còn thiếu hơn 50 giáo viên…

Theo Tiến Đạt / Báo Hải Phòng
 
Top