Về Vĩnh Bảo: DU KHẢO ĐỒNG QUÊ " Hải Phòng"

taodo

Trùm quậy phá VBC
Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) những ngày vào xuân cảnh trời rất đẹp, nắng dìu dịu và những cơn mưa rào bất chợt, làm tươi thêm những cánh đồng với màu mạ non mới cấy. Đến Vĩnh Bảo nghe người Vĩnh Bảo rít thuốc lào thì khỏi phải nói, chưa làm một điếu cày cũng cảm thấy ngây ngây say, say vì cái dáng vẻ điệu nghệ của người vùng quê hương thuốc lào nhả khói thơm lừng...

Vĩnh Bảo bây giờ còn là địa điểm “du lịch, du khảo đồng quê” lý thú của thành phố Hải Phòng. Tuyến du khảo đồng quê này gồm liên đới 3 xã: Đồng Minh, Lý Học và Vĩnh Phong. Tại mỗi xã đều có nét đặc thù riêng mà không nơi nào có được.

Xã Đồng Minh với làng nghề điêu khắc truyền thống độc đáo. Đi dài theo con đường làng, tiếng đục tượng râm ran đây đó, tạo thành một khúc nhạc nhặt khoan trầm bổng, không có trong bất kỳ điệu nhạc nào. Những pho tượng đá với đủ dáng hình được thể hiện bằng những đường nét, hoa văn sinh động.

Du khách có dịp chiêm ngưỡng những nghệ nhân tạc tượng là những cô gái trẻ đẹp với đôi tay như múa với cây đục, tạo hồn cho những khối đá lạnh lùng vô tri.

Khách đến Vĩnh Phong, nghe văng vẳng từ xa tiếng chuông chùa vọng lại, ngôi chùa cổ An Lạc xây dựng gần 500 năm, với hàng trăm pho tượng cổ quý hiếm.

Chùa An Lạc còn là di tích cách mạng, là địa điểm hoạt động, hội họp của Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo. Đại đức Thích Mẫn Thiện, trụ trì chùa An Lạc, một người sinh ra và lớn lên tại Đồng Tháp. Trong một dịp ông đến Vĩnh Bảo, biết được chùa An Lạc là ngôi chùa cổ, đã hoang tàn đổ nát. Không đành lòng để một di tích văn hóa của quốc gia phải mai một theo thời gian, ông đã chẳng ngại xa xôi gian khổ, xin Giáo hội Phật giáo về trụ trì, để cùng bà con trùng tu lại ngôi chùa cổ.

Chùa An Lạc giờ đây là nơi hội tụ của dân làng sau một ngày lao động nhọc nhằn. Ngôi chùa cổ còn là địa chỉ thu hút khách thập phương đến chiêm bái và thưởng lãm giá trị nghệ thuật của những ngôi tượng cổ.

Với tấm lòng nhân hậu, Đại đức Thích Mẫn Thiện nhận thấy bà con trong làng còn nghèo, nhiều vất vả, nhất là những người già neo đơn, cuộc sống thiếu trước hụt sau, cô đơn buồn bã, những trẻ mồ côi sống lang thang hè phố, trải qua những đêm đông lạnh buốt. Nhà sư đã lặn lội vào Nam ra Bắc, vận động các nhà hảo tâm để thành lập ngôi nhà dưỡng lão, nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Việc làm đầy ý nghĩa này được dân làng và du khách đến tham quan rất ủng hộ.

Nơi đây, du khách còn gặp lại nếp nhà xưa truyền thống một thời của nông thôn miền Bắc, mái ngói tường rêu và cái ao trước mỗi sân nhà, mặt nước xanh màu phong sương cũ. Sáng sáng chiều chiều, các cô thôn nữ duyên dáng ngồi giặt áo bên cầu ao.

Đến Vĩnh Bảo với tour du khảo đồng quê, du khách mới có dịp nhìn lại nét văn hóa truyền thống độc đáo vẫn được bảo tồn ở một vùng quê.
 
Top